Posted on: August 11, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

ĐẠI DỊCH THẢM HỌA THIÊN NHIÊN

     Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua – những ngày cuối hè của năm 2021 đầy biến động bởi tình hình dịch bệnh COVID trên toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt, một loạt tin tức khác liên tục vang lên như cứa thêm vào lòng người vết thương xát muối. Các chuyên gia bảo rằng, ấy là đại dịch kép: dịch bởi virus và dịch bởi biến đổi khí hậu.

     Giữa tháng 7, một trận lụt bất ngờ và tàn bạo từ dòng sông Meuse – vốn là con sông đi qua nhiều quốc gia tại châu Âu – đã phá hủy ít nhất 20 cây cầu, khiến gần 200 người dân thiệt mạng ở Đức và Bỉ cùng 749 người khác bị thương và quá trình tìm kiếm người mất tích vẫn đang diễn ra. Sự tổn hại về vật chất vốn đã đáng sợ nhưng sự tổn hại về tinh thần người dân thì không gì có thể đo đếm được.

                                                              Nguồn hình ảnh: apnews.com

     Vài ngày sau, người dân ở khu vực rộng lớn giữa lòng Trung Quốc phải đối diện với cơn mưa bão lớn bất thường khiến nước dâng cao từ làng quê đến lấp đầy trạm tàu điện ngầm chốn đô thành. Tiếng thét kêu gào cầu cứu của nạn nhân bị mắc kẹt trong toa tàu còn ám ảnh bao người như lời cảnh tỉnh khẩn thiết: sự tàn khốc của thảm họa thiên nhiên không thể coi thường được! Ở vị trí thuộc lưu vực sông Hoàng Hà cũng như các con sông khác, các thành phố/tỉnh thành như Trịnh Châu, Tân Hương, Khai Phong và đặc biệt là Hà Nam bị tổn thất vô cùng nặng nề. Theo thống kê ngày 02/08, hơn 300 nạn nhân tử vong, 50 người mất tích và hơn 20,000 người mất nhà cửa.

                                   Nguồn hình ảnh: indianexpress.com và breakinglatest.news

     Không lâu sau đó, ngày 08/08, hơn 80.000 người đã phải sơ tán vì mưa lớn và lũ lụt ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Hơn 440.000 người hiện đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại sáu thành phố trên toàn tỉnh. Mưa lớn đã gây thiệt hại kinh tế 250 triệu nhân dân tệ (38,57 triệu USD) ở Tứ Xuyên với 45 ngôi nhà bị phá hủy và 118 ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng. Chuyên gia cho rằng, nhiệt độ và lượng mưa cao hơn khiến nguồn nước của Trung Quốc dễ bị tổn thương, đồng thời cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt cũng đang gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

                                                                  Nguồn hình ảnh: floodlist.com

     Cùng lúc đó, trong những tháng hè nắng nóng và khô hạn kỷ lục trên toàn cầu vào năm nay, cháy rừng đã diễn ra trên diện rộng và hậu quả gây ra ngoài sức tưởng tượng của bao người – đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ.

      Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 500 dặm vuông rừng ven biển đã bị thiêu rụi và 8 người đã thiệt mạng. Hàng chục nghìn người phải sơ tán.

     Tại Ý, từ ngày 24 – 26 tháng 7, lửa đã phá hủy 10.000 ha rừng và buộc 800 người phải sơ tán khỏi nhà của họ ở tây nam Sardinia. Hỏa hoạn tiếp tục đe dọa các khu vực miền nam nước Ý, trong đó Sicily và Sardinia nằm trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

     Nga gặp thử thách lớn với 155 ngọn lửa đang bùng cháy. Thời tiết nắng nóng, cộng với việc bỏ qua các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy, đã khiến việc cháy rừng ngày càng tăng, đã phá hủy hàng loạt ngôi nhà.

     Được xem là quốc gia phải chống chọi với một số trận hỏa hoạn tồi tệ nhất ở châu Âu trong bối cảnh nhiệt độ cao ngất ngưởng, Hi Lạp gồng mình chịu đựng cơn cháy phá hủy gần 57.000 ha trong 10 ngày. Trong khi, diện tích bị cháy trung bình so với cùng kỳ năm 2008 – 2020 là 1.700 ha. Hỏa hoạn đã xảy ra trên khắp đất nước khiến hàng chục người phải nhập viện điều trị. Truyền thông đặc biệt đưa tin về Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp, đã bị đe dọa nghiêm trọng vào cuối tuần qua và hàng nghìn người đã thu dọn đồ đạc và rời khỏi đảo.

                                                          Nguồn hình ảnh: Reuters and Guardian

     Tại British Colombia – Canada, bất chấp một số trận mưa đã diễn ra, 279 vụ cháy rừng vẫn đang hoành hành khiến hàng chục nghìn cư dân phải sơ tán. British Columbia đã chứng kiến gần 5.800 km vuông rừng của mình bị đốt cháy kể từ mùa xuân, và “mùa cháy rừng” tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới.

     Trường hợp cực kỳ nghiêm trọng về cháy rừng phải kể đến Mỹ. Bờ Tây nước Mỹ đang trải qua mùa hè nóng “tàn bạo” trong lịch sử, nhiệt độ chạm mốc “đỉnh cao” là 56 độ C (133 độ F) tại Công viên Quốc gia Thung Lũng Chết – California vào ngày 11/07 vừa qua. Vào ngày 11/08, trong một thời điểm, trung bình có đến hơn 1.200 vụ cháy rừng lớn nhỏ cùng diễn ra trên khắp nước Mỹ: một số ít ở miền Nam đến Trung, thậm chí ở bờ Đông nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là bờ Tây. Các đợt nắng nóng và hạn hán lịch sử gắn liền với biến đổi khí hậu đã khiến các đám cháy rừng khó dập tắt hơn ở miền tây nước Mỹ. Mùa cháy của California năm nay chính là mùa cháy tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận gần đây của tiểu bang. Hậu quả chắc chắn sẽ rất tàn khốc khi mùa cháy khủng khiếp đi qua – chỉ còn lại đống tro tàn đen đúa! Lúc này đây, khói xám lửng lơ khắp không gian, theo gió tràn đến những vùng đất khác. Việc có không khí sạch để thở trở nên xa xỉ với nhiều người ở đất nước được xem là giàu có bậc nhất hành tinh!

                     Nguồn hình ảnh (theo thứ tự): fireweatheravalanche.org, theguardian.com và voanews.com

     Dịch bệnh COVID-19 thật quá khiếp đảm cho loài người bất kể giàu nghèo, nhưng ít nhất chúng ta cũng tin rằng sớm muộn gì thì cơn khủng hoảng này sẽ tạm khép lại ở thời điểm nào đó (trước khi cơn dịch bệnh khác diễn ra). Tiếc thay, cơn dịch thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu không phải là điều mà loài người có thể dùng vaccine mà trị được. Thẳng thắn mà nói, đã đến lúc con người phải trả giá!

     Dẫu may mắn được sống ở khu vực khá an toàn, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hay cháy rừng, tâm trạng tôi không vì thế mà yên ổn mỗi khi nghe tin lũ lụt nơi này, hạn hán cháy rừng nơi kia. Ngoài kia, bao người bỏ mạng vì sự giận dữ của thiên nhiên đất trời! Tâm can tôi không khỏi đau đáu nghĩ về hành tinh này của 20 hay 50 sắp tới… Thật khủng khiếp! 

      Trong lúc lòng dạ nóng ran như ngọn lửa hung tàn kia, tôi nhận được thư từ tổ chức phi lợi nhuận Arbor Day Foundation. Họ chọn tôi làm bản khảo sát để tìm hiểu ý kiến người dân về tầm quan trọng của cây xanh. Dù thời gian hoàn thành bản khảo sát chỉ chưa tới 2 phút nhưng tôi được nhận những phần quà dễ thương. Không phải vì món quà ấy khiến tôi vui mà vì biết về tổ chức như họ khiến tâm tôi rộn ràng tươi tắn. 

                                                                           Nguồn ảnh: tác giả

      Arbor Day Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên gây quỹ để trồng cây phủ xanh mặt đất. Ngày nay, Arbor Day Foundation có hơn một triệu thành viên và đã trồng hơn 350 triệu cây xanh trong các khu dân cư, cộng đồng, thành phố và rừng trên khắp thế giới.

     Tôi tin rằng, mỗi thời khắc trôi qua, có vô số người dân nói chung và thành viên của các tổ chức môi trường đang kiên nhẫn và tâm huyết làm việc quên thời gian để giảm thiểu mức độ nguy hiểm của tai họa thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Mỗi người một tay, trái đất này sẽ vẫn còn tươi xanh cho thế hệ con cháu chúng ta! 

     Mong rằng niềm hi vọng về số lượng và mức độ lũ lụt cùng cháy rừng trên hành tinh này giảm dần qua từng năm không phải là ước mơ quá xa vời! 

                                                                                                                    Ngày 11/08/2021

                                                                                                                         Rita Nguyễn 

Nguồn tư liệu: 

  • https://apnews.com/article/europe-business-government-and-politics-environment-and-nature-7a513d2dc9f03a673dc7be8297a1e0bf
  • https://www.bbc.com/news/world-asia-china-57861067
  • https://www.reuters.com/world/china/heavy-rain-sichuan-causes-economic-losses-houses-collapse-state-media-2021-08-09/
  • https://www.cnn.com/2021/07/25/weather/us-western-wildfires-sunday/index.html
  • https://wildfiretoday.com/recent-fires/
  • https://www.theguardian.com/world/2021/aug/09/fires-rage-around-the-world-where-are-the-worst-blazes
  • https://www.smithsonianmag.com/smart-news/death-valley-records-hottest-average-temperature-over-24-hours-180978162/
  • https://www.fireweatheravalanche.org/fire/
  • https://www.arborday.org/https://www.arborday.org/