
CHƯƠNG 4: CÁI ĐUÔI TUNG TẨY, CÁI ĐẦU XOAY XOAY

Tiểu lục địa Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh cổ nhất trên thế giới và là nơi sản sinh ra biết bao nhà hiền triết lỗi lạc. Ngày nay, Ấn Độ là đất nước có diện tích rộng thứ 7 trên thế giới và dân số đông đúc ở vị trí thứ 2. Quốc gia này cũng nổi tiếng trên thế giới về sự đa dạng sắc tộc, văn hóa vô cùng phong phú và niềm tin tâm linh rất mạnh mẽ.
Ni Lô đã dành khá nhiều thời gian để khám phá con người, lối sống, kiến trúc tôn giáo và tất nhiên là vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng tại đất nước này.
Ngoài vẻ đẹp của đền Hoa Sen, Pháo Đài Đỏ, đền Taj Mahal hay nét siêu thực của ngày mới trên sông Hằng linh thiêng cùng sự ma mị thoát tục từ những vị guru Ấn Độ giáo, Ni Lô còn kể về việc người dân phải mua khí oxy sạch để thở như thế nào, các xác chết trôi dạt trên sông Hằng ra sao, v.v. Chẳng hạn như vài trích đoạn ngắn sau đây:
Thời gian đầu, tôi lang thang ở thủ đô Delhi. Thành phố mang dáng dấp của đô thị lớn nhưng lại tồn tại tính dân dã đặc trưng không lẫn vào đâu được. Khu trung tâm có những tòa nhà hành chính trông sang trọng, sạch sẽ và xanh mát với hai hàng cây được chăm sóc kỹ lưỡng bên đường. Phần còn lại của khu đô thị khổng lồ này ngổn ngang với nạn kẹt xe khắp mọi nơi và sự nhếch nhác của những con phố nhỏ dành cho người có thu nhập thấp. Thú vị hơn cả, những con bò nhởn nhơ cất bước đầy thong dong ngoài đường phố như những cô gái thướt tha váy áo trên giày cao gót nhọn dạo bước trong công viên. Bao nhiêu khách du lịch không thể bỏ qua hình ảnh ấn tượng này nên cười nói xôn xao, chụp hình quay phim liên tục. Làm gì có cảnh tượng nào đáng nhớ bằng cảnh những chiếc xe hơi mới cóng trong thành phố phải bấm còi tin tin, nhấp thắng liên tục để “cạnh tranh” từng khoảng trống trên đường với xe máy, xe lôi, xe đạp và cả những con bò chầm chậm diễu hành. Đàn bò đi trong thành phố làm tôi xúc động! Có lẽ là vì sự tương phản giữa sự vội vã của con người và sự bình thản của con vật hiền lành, hay giữa tòa nhà hiện đại nơi phố thị và sự giản dị của loài vật vốn phổ biến ở nông thôn.
[…] Khoảnh khắc bình minh tạo nên khung trời vàng cam sặc sỡ, mặt trời to vành vạnh như trái bóng tròn trĩnh. Ánh nắng đầu ngày chảy tràn lên những tòa nhà và ngôi đền đối diện, nhuộm lên vẻ ấm áp của màu gạch đỏ và khiến mặt nước loang loáng những gợn sóng nhỏ. Tôi không thể ngờ, mình đang ở bên bờ sông Hằng linh thiêng tại thành phố Varanasi với tuổi đời hơn 5.000 năm, một trong ba thành phố cổ nhất trên thế giới còn tồn tại. Từ mặt đường lớn, người ta phải đi len lỏi qua các con hẻm nhỏ, rồi đi bộ xuống các bậc tam cấp dài trước khi muốn đụng mặt nước. Ánh sáng mặt trời của ngày mới chứa đựng chút gì ma mị ở chốn này! Ngay dưới dòng sông là bao mái đầu đang ngâm mình ngụp lặn.
Thượng nguồn của sông Hằng bắt đầu từ dãy núi Himalaya hùng vĩ với dòng nước trong xanh. Sông Hằng là kết quả của sự hợp nhất từ hơn 10 con sông lớn nhỏ khác trong quá trình đi qua hơn 10 thành phố của Ấn Độ, sau đó chảy qua Bangladesh, trước khi đổ vào vịnh Bengal. Tên sông Hằng (Ganges) được dùng theo tên của con gái Thần núi Himavan hay Himalaya. Thành phố cổ Varanasi được tín đồ Hindu giáo xem là thánh địa thiêng liêng của thần Shiva – vốn là vị thần Hủy diệt của nhóm tín đồ này, mà cũng là vị thần Tối cao của nhóm tín đồ khác. Thế nên, đoạn sông Hằng tại thành phố Varanasi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Họ mong được tắm tắp gột rửa dưới làn nước này; họ uống nước dòng sông với khao khát được tẩy hóa trong sạch; họ muốn được chết cũng tại dòng nước này dưới hình thức tro bụi. Sau hàng ngàn năm với niềm tin còn nguyên vẹn, tín đồ Hindu vẫn cố gắng khăn gói về đây ít nhất một lần trong đời nếu ở xa. Họ tụ hội về chốn linh thiêng để cúng tế thần linh với nhang đèn, hoa quả và bột màu; cũng như được uống nước sông, được ngâm mình dưới sông.
“Những ngày ô nhiễm trầm trọng, tim gan phèo phổi và các bộ đồ lòng trong thân tôi như bị thiêu đốt lên!” – một nhân vật trong truyện chia sẻ.
Mời Quý vị và các bạn cùng đồng hành với Ni Lô trong trích đoạn sách nói dưới đây nhé!