Posted on: September 6, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

PHÁ THAI VÀ NHÂN QUYỀN

Ngày 01/09/2021, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ đã thông qua luật chống phá thai tại bang Texas với 5/4 phiếu bầu. Theo đó, phụ nữ tại bang này chỉ được phép phá thai vì lý do sức khỏe nhưng trong phạm vi rất hẹp. Ngoài ra, không có ngoại lệ đối với trường hợp bị hiếp dâm hay loạn luân ngay khi bào thai bước sang tuần thứ 6. Đây là thời điểm mà tim thai được hình thành – hợp tử của trứng và tinh trùng được người ra luật xác định là “chính thức trở thành con người”. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà nhiều phụ nữ còn chưa nhận ra mình mang thai. Dự kiến rằng, “chiến thắng vang dội” của Texas sẽ truyền cảm hứng cho hàng loạt bang bảo thủ khác “copy” luật tương tự cho cư dân của mình. Sau sự kiện, truyền thông Mỹ rầm rộ đưa tin và bàn luận xôn xao về vấn đề này. Có người đồng tình, có người chỉ trích như bao chính sách khác. Và dĩ nhiên, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ. 

     Một người biểu tình ăn mặc như người hầu gái giơ một tấm biển tại một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội bang Texas vào tháng 5 sau khi Thống đốc bang Texas Greg Abbott ký dự luật phá thai. Nguồn ảnh: Elle. 

     Chắc hẳn nhiều người ở quốc gia khác cho rằng Mỹ – vốn là một đất nước có tiếng về quyền tự do – thì người phụ nữ có quyền phá thai một cách… “thoải mái”. Thực tế thì phức tạp hơn vậy! So với các nước phương Tây phát triển ở Châu Âu ở thời điểm hiện tại, Mỹ được xem là bảo thủ hơn rất nhiều vì niềm tin tôn giáo mạnh mẽ ảnh hưởng đến quan điểm của số đông trên nhiều chính sách xã hội.*** Xem phần ghi chú cuối bài. 

     Chính vì thế, không ngạc nhiên, ở mỗi kỳ bầu cử ở quy mô quận/bang/liên bang, các chính trị gia đều quảng bá quan điểm về phá thai để thu hút thêm phiếu bầu. Những người rất bảo thủ có xu hướng chống đối phá thai, những người rất cấp tiến có xu hướng ủng hộ việc phá thai. Số lượng những người “lửng lơ” ở giữa hai điểm cực thì thể hiện nhiều sắc thái và là đối tượng để chính trị gia thuyết phục họ theo ý mình.

     Tôi đã từng “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 bàn luận rất nhiều về chuyện phá thai. Sau này, hiểu rằng với hơn 70,5% dân số theo các tôn giáo thờ Thiên Chúa, gần 8% dân số theo các đạo khác ngoài Thiên Chúa giáo thì lý do trở nên rõ ràng hơn. Các tôn giáo dù có đa sắc màu và truyền tải giáo lý có khác biệt nhưng điểm chung là không chấp nhận việc giết đi sinh linh bé nhỏ trong bụng người phụ nữ. Những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ phải rất cởi mở và tiến bộ về tư tưởng thì mới đi ngược lại với truyền thống.

    Về mặt lý thuyết, việc tranh luận giữa hai trường phái chống hay ủng hộ việc phá thai có đi xa đến đâu thì cũng không thể vượt ra khỏi phạm vi của đạo đức học. Mỗi quy chuẩn đạo đức lại dựa trên một quan điểm triết học nhất định để bảo vệ quyền sống của chủ thể. Trong trường hợp này, chủ thể là người phụ nữ mang thai và bào thai.

     Lý luận của bên chống việc phá thai thường là:

  • Thai nhi là một con người. Phá thai là hành động giết người. Người mẹ phá thai và nhân viên y tế thực hiện hành động phá thai chính là những kẻ mang trọng tội đáng bị xử phạt nặng. Ấy là hành vi vô đạo đức!
  • Giết hại một mầm sống trong bào thai là hành vi tước đoạt quyền được sống của đứa trẻ, tước đoạt tương lai và những giá trị sống vô giá trong quá trình lớn lên, trưởng thành và cống hiến cho xã hội của thai nhi.

                         Biểu tình của nhóm sinh viên chống việc phá thai. Nguồn ảnh: Bloomberg. 

  • Thai nhi không có khả năng tự bảo vệ quyền được sống của mình. Vì thế, luật chống phá thai cần được tạo ra nhằm đảm bảo nhân quyền cho đứa trẻ còn trong bụng mẹ, trong bất cứ tình huống nào.
  • Con cái là của “Trời/Chúa ban” (hoặc “do duyên do nghiệp” hoặc “do số phận”) nên cần phải trân trọng ý của tạo hóa, không được phép chống đối lại quy luật “tự nhiên”.

      Lý luận của bên ủng hộ việc phá thai thường là:

  • Trong trường hợp bị hãm hiếp, trẻ em gái vị thành niên hoặc cô gái chưa chồng chưa sẵn sàng làm mẹ; phụ nữ lớn tuổi không muốn sinh thêm con sẽ rơi vào tình huống nan giải. Việc bị ép buộc giữ bào thai gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi và tương lai rất chông chênh.  
  • Trong trường hợp cặp vợ chồng thực hiện biện pháp phòng tránh thai nhưng kết quả không như ý, việc sinh thêm đứa con ảnh hưởng đến vấn đề tài chính và các mặt khác của cả gia đình. Từ đó, việc bị ép buộc giữ bào thai ảnh hưởng đến chất lượng sống của các thành viên trong nhà và thậm chí trở thành gánh nặng của xã hội.

          Biểu tình của nhóm phụ nữ bảo vệ quyền được phá thai. Nguồn ảnh: AP Photo/Jacquelyn Martin File

  • Trong trường hợp thai nhi phát triển không bình thường và bác sĩ chắc chắn về khả năng bị khuyết tật vận động hay giác quan, hoặc gặp chứng bệnh nan y trầm trọng khi sinh ra, chỉ có người mẹ mang thai mới chính là người có quyền đưa ra quyết định cho con mình.
  • Trong trường hợp người mang thai quá yếu, việc phát triển của thai nhi trong bụng mẹ phá hoại cơ thể người phụ nữ đến mức phải ra quyết định sống còn: hoặc bỏ thai nhi để cứu người mẹ, hoặc chần chừ thì chết cả hai. Liệu có ai muốn bảo vệ quyền sống của thai nhi trong tình huống này?
  • Trong trường hợp đứng giữa quyết định mang tính sinh tử khác: chỉ có thể giữ mạng sống của thai nhi hoặc người mẹ. Liệu có ai nghĩ rằng người cha vô nhân tính nếu quyết định cứu người mẹ thay vì thai nhi?
  • Trong tất cả các trường hợp mang thai ngoài ý muốn khác, nếu người mang thai không thực sự muốn giữ lại thai nhi trong cơ thể mình thì việc sinh trưởng của thai nhi chẳng khác nào “khách không mời” phá hoại thể chất lẫn tinh thần của người mang thai. Thế nên, nếu thai nhi là một phần của cơ thể con người, mỗi người có quyền quyết định phá hay giữ phần cơ thể ấy. Hay nói cách khác, quyền của phụ nữ quan trọng hơn quyền thai nhi dù quyền nào cũng là nhân quyền.

      Về mặt thực tế, dữ liệu trên quy mô toàn cầu cho thấy:

  • Có quốc gia cho phép phá thai trong nhiều trường hợp như Việt Nam, Argentina, Na Uy, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ. Có nhiều quốc gia cho phép phá thai nhưng hạn chế theo trường hợp như Liechtenstein (chỉ được phép phá thai nếu gây hại cho tính mạng hay ảnh hưởng sức khỏe của phụ nữ mang thai, hoặc bị hiếp dâm), Peru (không được phép phá thai dù bị hiếp dâm, hay thai bị suy). Có quốc gia đưa ra luật đa dạng tùy theo khu vực; ví dụ như luật về phá thai không đồng nhất giữa các bang/tỉnh thành ở Mỹ, Mexico, và Nigeria.   

                                   Minh họa về luật phá thai tại một số nước. Dữ liệu của LHQ.

  • Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc với dữ liệu thu thập được đến năm 2019, việc phá thai được cho phép ở 98% quốc gia để cứu sống phụ nữ. Nghĩa là vẫn có một số ít quốc gia cấm phá thai một cách triệt để, bất kể là việc mang thai khiến người phụ nữ tử vong; chẳng hạn như Abkhazia, El Salvador, Honduras, Nicaragua.
  • Các lý do thường được chấp nhận khác là nhằm giữ gìn sức khỏe thể chất (72%) hoặc tinh thần (69%), trong các trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân (61%), và trong các trường hợp suy thai (61%).
  • Phá thai vì lý do kinh tế hoặc xã hội (với chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình) được chấp nhận ở 37% quốc gia. Riêng việc phá thai dựa theo yêu cầu của phụ nữ chỉ được cấp phép ở 34% quốc gia, bao gồm ở Mỹ, Canada, hầu hết các nước châu Âu và Trung Quốc.
  • Ở một số quốc gia, các thủ tục bổ sung phải được tuân theo trước khi có thể tiến hành phá thai ngay cả khi đã đáp ứng các điều kiện cơ bản. Ví dụ, ở Phần Lan, 90% ca phá thai ở Phần Lan được thực hiện vì lý do kinh tế xã hội. Khi phụ nữ có nhu cầu phá thai, việc chấp thuận cho mỗi trường hợp thường phải được hai bác sĩ xét duyệt. Tuy nhiên, dù luật có nghiêm ngặt cỡ nào thì người thực hiện luôn biết cách “lách luật”. Như tại Vương quốc Anh, một báo cáo vào năm 2012 cho thấy một số phòng khám đã “chơi chiêu”, sử dụng các mẫu đơn do một bác sĩ ký trước, do đó phụ nữ chỉ cần hẹn gặp một bác sĩ để xét duyệt việc phá thai.
  • Luật về phá thai không ổn định vì người ra luật và xét duyệt luật có thể thay đổi quan điểm. Từ năm 2021, chính quyền Ba Lan quyết định siết chặt luật chống phá thai. Dù thai nhi bị suy hay phát triển bất bình thường ở mức độ nào thì cũng phải giữ lại, phụ nữ phá thai trong tình huống này đều vi phạm pháp luật. Trước đây, mỗi năm có tới khoảng 100,000 phụ nữ Ba Lan phải ra nước ngoài thực hiện việc phá thai. Nay, con số này chắc chắn đang tăng lên rất nhiều, vô tình tạo thành ngành “du lịch phá thai” (làm giàu cho “hàng xóm” Cộng hòa Séc) khiến chính quyền Ba Lan loay hoay tìm cách xử lý. Trên mức độ toàn cầu, trường hợp phụ nữ phải đi phá thai ở cơ sở chui trong nước với rủi ro “tiền mất tật mang” lẫn ra nước ngoài khiến tốn kém thời gian, tiền bạc là nhiều không kể xiết.
  • Có những phụ nữ dù thuộc diện hợp pháp để phá thai tại nước mình nhưng vẫn tìm ra cơ sở y tế ở nước ngoài là vì vấn đề tâm lý: lo lắng bị kỳ thị. Dễ nhận thấy, các quốc gia/khu vực độc lập đưa ra luật chống phá thai một cách chặt chẽ thường là quốc gia ảnh hưởng bởi tôn giáo – được xem là quốc giáo; chẳng hạn như Công giáo (Vatican, Philippines, và nhiều nước Nam Mỹ), Hồi giáo (Oman, Palestine, Libya,v.v.), hay Phật giáo (Myanmar, Sri Lanka). Theo quan điểm của các tôn giáo này, phá thai là hành động vô đạo đức. Do đó, phụ nữ ra quyết định phá thai ở các nước như thế này ngoài việc sợ bị xã hội lên án còn là vấn đề ám ảnh với “tội lỗi” lâu dài.
  • Khoa học hiện đại ngày nay đã nâng cao phương pháp ngừa thai về mặt số lượng lẫn chất lượng nên giúp ích rất nhiều cho việc giảm số lượng ca mang thai ngoài ý muốn. Mặt khác, kỹ thuật kiểm tra thai nhi kỹ lưỡng và chi tiết giúp phát hiện các ca suy thai từ sớm. Điều này tạo nên tiền đề để người phụ nữ cùng gia đình ra quyết định phá thai hay không.

     Tôi là một Phật tử và tôi hiểu rằng phá thai được xem là hành động sát sanh trong Phật giáo. Người phụ nữ quyết định từ bỏ sinh linh bé bỏng trong bụng mình sẽ phải hứng chịu nghiệp dữ trong nhiều kiếp, vô cùng đau đớn trong điều kiện khủng khiếp. Tuy nhiên, ở góc độ là một cư dân toàn cầu quan tâm đến vấn đề xã hội học, tôi cho rằng luật lệ nào mang tính cực đoan đều gây ra hậu quả khôn lường.  

     Nói cho cùng, người ra luật thường chỉ là một nhóm có chức sắc ngồi trong văn phòng (thường là nhiều đàn ông hơn phụ nữ). Họ có quyền để quyết định số phận của vô số thai nhi hay người phụ nữ mang thai ngoài kia (trong đó có người thân trong gia đình họ) dựa trên quan điểm riêng của mình hơn là đặt bản thân họ vào vị trí của hàng tỷ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản ngoài xã hội.

     Khi còn thơ sống ở vùng kinh tế mới giữa núi rừng bạt ngàn, má tôi dù chỉ là y sĩ nhưng trở thành “bà mụ đỡ đẻ” chính trong vùng. Có khi sản phụ tới nhà tôi, có khi má tôi tới nhà sản phụ xa xôi lúc nửa đêm mưa gió. Nhiều phụ nữ trong xã đã có tới hơn 15 con mà vẫn tiếp tục đẻ vì lối nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ”. Đứa lớn chăm đứa bé, áo quần rách rưới, đất bùn lấm lem đầy mặt, nghèo đói bủa vây. Cùng lúc đó, nhiều chị gái trong xã ở lứa tuổi chưa tới đôi mươi năn nỉ má tôi nạo phá thai giùm vì vào thế “chưa chồng mà có chửa”. Nước mắt ngắn dài đầy vẻ thống khổ, muốn từ chối cũng không nỡ.

                                    Một gia đình với 13 người con tại Hà Nội. Nguồn ảnh: 24h.

     Tại Việt Nam, phá thai là hợp pháp trên diện rộng, dù rằng phá thai trên 22 tuần và phá thai vì lựa chọn giới tính là vi phạm pháp luật. Luật này cởi mở hơn hẳn hàng loạt các quốc gia khác. Âu cũng là điều hợp lý để đảm bảo chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm phát triển quốc gia phù hợp. Với tỷ lệ cao số người dân chưa có ý thức ngừa thai, lại bị cấm phá thai thì vấn đề đói nghèo chỉ có thể tăng theo cấp số nhân, kéo theo nhiều hệ lụy nan giải. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thực tế khiến người dân Việt không thôi lo lắng:

  • Hàng năm ghi nhận 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo. Tỉ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.
  • Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có tới 62 ca là mang thai ngoài ý muốn do không sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Và trong 1.000 ca phá thai tại Việt Nam có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.
  • Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung, v.v.; thậm chí đe doạ tính mạng.

                                                                              Nguồn ảnh: Eva

  • Các nghiên cứu cũng chỉ ra 20% các ca điều trị vô sinh từng có tiền sử từ phá thai không an toàn.
  • Theo số liệu thống kê của UNICEF Việt Nam, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam có quan hệ tình dục ở độ tuổi chưa thành niên: 7,8% người chưa thành niên ở độ tuổi 15-18 đã quan hệ tình dục lần đầu trước khi 15 tuổi và tỷ lệ này ở nhóm 19-24 tuổi là 1,3%. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.
  • Theo một nghiên cứu khác của TS Tâm lý học Trần Thành Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội – đến hết lớp 12, có 39% học sinh được hỏi cho biết mình đã quan hệ tình dục, trong đó 10% nói đã từng quan hệ tình dục với 3 người trở lên. 
  • Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO (09/2017), các nước có số ca phá thai cao nhất trên phạm vi toàn cầu: đứng đầu là Trung Quốc, thứ nhì là Nga và thứ ba là Việt Nam. Đó là chưa tính các ca phá thai “lậu” ở cơ sở chui hoặc “thầy lang” hoặc tự ý dùng cách thức phi khoa học tại gia.

     Thiết nghĩ, chúng ta còn một chặng đường dài để đạt được trạng thái an toàn về sức khỏe sinh sản như các quốc gia châu Âu phát triển: dù tuổi trung bình của việc quan hệ tình dục lần đầu của người dân là rất sớm (16 tuổi, so với Việt Nam là 19,7 – số liệu 2015) nhưng tỷ lệ phá thai cực kỳ thấp. Chính vì đường dài nên các đơn vị và cá nhân có quyền ra quyết định lớn trong lĩnh vực này nên thật sự nỗ lực hơn, nghiêm túc hơn vì chất lượng sống và quyền sống của người dân. 

      Nhằm hạn chế việc phá thai và đảm bảo quyền của người phụ nữ cũng như quyền của thai nhi, 3 giải pháp cần thiết nên là: 

  • 1/Việc nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản là vô cùng cần thiết. Tư duy cho rằng giáo dục về chuyện tình dục cho học sinh khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” đã không còn phù hợp với tình hình xã hội thời hiện đại. Đồng thời là truyền thông kiến thức phòng chống xâm phạm và xử lý tình huống khi bị xâm phạm cho mọi độ tuổi. Việc giáo dục này không nên chỉ là ngoại khóa mà mang tính bắt buộc. 

                                                    Nguồn ảnh: GiaTriCuocSong.org                                                       

  • 2/Xử lý gắt gao hơn những cơ sở nạo phá thai “chui” chính là hạn chế những ca tử vong không cần thiết và đảm bảo tính an toàn. Tăng mức phạt tiền thật cao cho trường hợp này là hợp lý!
  • 3/Giảng dạy giá trị đạo đức (thiêng liêng tình mẹ con và dám chịu trách nhiệm với hành động của mình) và kỹ năng kiên định từ chối trên diện rộng.
    • Với các bạn thanh thiếu niên mang thai ngoài ý muốn, việc xử lý hậu quả để tránh rắc rối trở nên quan trọng hơn là cảm giác tội lỗi khi từ bỏ đứa con bé bỏng của mình.
    • Thế nên, để giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai (đặc biệt là trường hợp phá thai nhiều lần) ở thanh thiếu niên, việc định hình giá trị đạo đức trong học đường và xã hội nói chung chính là nền tảng cần thiết để các bạn trẻ luôn nhận thức đúng đắn ngay trong khoảnh khắc “ham vui”: “Lỡ có thai thì sao? Chắc chắn không thể bỏ con trong bụng được! Vậy thì phải dùng biện pháp ngừa thai thôi! Nhưng giờ ở hoàn cảnh không có vật dụng để ngừa thì sao? Đành phải dừng ‘cuộc vui’ ở đây sang bữa khác có sự chuẩn bị kỹ càng hơn vậy!”.

                                                                               Nguồn ảnh: Eva

    • Sự kiên định sẽ giúp nữ giới thận trọng và sáng suốt hơn với hành động của mình. Điều mà giới trẻ đang cần được gia đình, nhà trường và xã hội định hướng rõ ràng hơn bao giờ hết!

Ghi chú thêm:

*** Tại Mỹ, các chính sách bảo vệ môi trường cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người dân bảo thủ, vì họ cho rằng: Đấng Tạo Hóa sinh ra muôn vật muôn loài là để phục vụ cuộc sống của con người, việc khai thác nguồn lực thiên nhiên là việc hiển nhiên nên làm. Còn thảm họa thiên nhiên là chuyện diễn ra theo quy luật của đất trời, không liên quan gì đến hành động của con người.  

Nguồn tư liệu: 

Table 2: Countries by legal grounds for abortion (recoded), United Nations, Department of Economic and Social Affairs, Population Division (2019). World Population Policies 2017: Abortion laws and policies.

World Population Policies 2017: Abortion Laws and Policies, United Nations Department of Economic and Social Affairs, 2020.

Tiitinen, Aila. “Raskauden keskeytys”Terveyskirjasto. Duodecim. Retrieved 10 August 2018.

“Findings of termination of pregnancy inspections published”. Care Quality Commission. Archived from the original on 2012-07-17. Retrieved 17 July 2012.

www.nytimes.com

www.washingtonpost.com

www.theguardian.com

www.baophapluat.vn

www.eva.vn

www.vietnamnet.vn

                                                                                                                           Ngày 06/09/2021

                                                                                                                                Rita Nguyễn