Posted on: August 30, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

HẠ HỎA CƠN NÓNG GIẬN

     Với tư duy thích phân tích chữ nghĩa của bản thân, tôi cho rằng “nóng giận” là sự kết hợp của “nóng tính” và “tức giận”. Khi một người “tức giận” đến mức không thể kiểm soát được cảm xúc bản thân thì bộc lộ ra ngoài bằng các hành vi tiêu cực như tranh cãi to tiếng, la mắng, chửi rủa, đập phá đồ đạc, đánh ai đó để có thể tự “hạ hỏa” bên trong thì được xem là “nóng tính”. Cấp độ từ nhẹ đến nặng. Từ thỉnh thoảng tới thường xuyên và có thể trở thành bản tính khó thay đổi.

                                               

     Suốt chặng đường lớn lên và trưởng thành theo ngày tháng, tôi từng trải nghiệm hậu quả của việc nóng giận ở nhiều sắc độ trong vai trò là nạn nhân. Giáo viên môn lý thời cấp 3 từng mắng mỏ đám học sinh “ngơ ngác” lớp tôi nguyên một tiết 45 phút vì nóng giận chuyện cá nhân mà chỉ có thầy ấy mới biết lý do. Giáo viên thời cấp 2 từng dùng thước đánh vào mông tôi rõ đau vì giải sai bài toán, đánh vào lưng vài bạn nam vì gây ồn cùng lời chì chiết nặng nề trước mặt cả lớp. Chúng tôi đều biết cô là người nóng tính nhưng nóng tính đến mức bạo lực với đám học trò (tôi là nạn nhân nữ duy nhất trong lớp) thì tôi không bao giờ quên được!

      Năm nhất đại học, mới vài tháng chân ướt chân ráo trọ học ở Sài Gòn, tôi đã bị sốc nặng về cách người đối xử với người. Ông chủ nhà trọ vốn dĩ hiền lành, thân thiện và có nỗi đau riêng từ khi vợ qua đời chưa lâu vì ung thư. Khi biết tin tôi và cô bạn sẽ chuyển sang nơi ở mới, ông ta thấm chút rượu rồi “nổi cơn tam bành” vì nóng giận. Ông mắng chửi chúng tôi là kẻ mất dạy, ngu dốt một hồi lâu rồi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Nếu không đi ngay thì ông ta dọa sẽ đốt hết đồ đạc của chúng tôi. Cái bật lửa đã lăm le cầm trên tay. Giọng ông oang oang, mắt đỏ ngầu và đầy giận dữ khiến người dân hàng xóm kéo đến quanh nhà để “ngóng chuyện”. Tôi và cô bạn sợ đến mức tất tả dọn hết đồ ra khỏi nhà nhanh nhất có thể dưới ánh nhìn tò mò của dân tình xung quanh, tim đập thình thịch. Lúc chất đồ kềnh càng lên hai chiếc xe đạp xong, rồi lếch thếch dắt ra khỏi con hẻm, hai đứa mới có thời gian để dòng nước mắt chảy tràn…

     Đáng sợ hơn, người thân trong gia đình tôi cũng từng rất nóng tính. Tôi từng bị la mắng một cách vô cớ, bị tát “chá lửa” vào mặt nhiều lần khi chỉ là một đứa trẻ cấp 1. Tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh bạo lực tinh thần lẫn bạo lực thể chất tại nhà mình, dòng họ, hay hàng xóm láng giềng vì sự tức giận của ai đó không được kiểm soát. Hậu quả nhiều khi nghiêm trọng tới mức, tôi thấy nạn nhân đứng giữa bờ vực sống chết chỉ trong tích tắc nếu không có người xông vào giải cứu. Tôi thấm thía sâu sắc câu nói dân gian “giận cá chém thớt” và “nóng giận có thể phá hủy cả cơ đồ”! Vì sự tồn tại của nóng tính mà những trường hợp bạo hành gia đình, bạo lực học đường, bạo loạn xã hội chưa bao giờ nhổ được gốc rễ.  

     Không ngạc nhiên, tôi trở thành người có chứng sợ hãi người nóng tính! Bản thân tôi cũng có lúc tức giận như bao người, nhưng mỗi lần muốn “xả ra” cho “hạ hỏa” thì liền nhớ đến hình ảnh của chính mình là nạn nhân của chứng nóng tính và nhớ đến nét mặt “bốc hỏa” đáng sợ của người nóng giận. Nhờ thế, cảm giác tức giận trong tôi dần tiêu biến nhanh. Tôi cũng hạn chế giao tiếp với người nóng tính nếu có thể; hoặc “lén bỏ chạy” khi thấy cơn thịnh nộ của người quanh mình chuẩn bị “phun trào”. Thật lòng, tôi từng ám ảnh đến mức cảm thấy căng thẳng khi ở cạnh người nóng tính như thể ở cạnh một ngọn núi lửa có thể hoạt động bất cứ lúc nào!

     Tuy thế, tôi hiểu rằng việc kiểm soát tức giận của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những đứa trẻ sinh ra vốn sở hữu sự điềm tĩnh lạ thường, số khác lại ưa khóc la quấy nhiễu. Dù tính tình một người là do “Trời ban”, hay do “nghiệp tạo ra”, hay do “gen” thì không thể phủ nhận rằng: bản tánh tự nhiên của mỗi người là từ “trong trứng nước”. Bên cạnh đó, người làm việc ở môi trường nhiều áp lực và căng thẳng thì khó mà trông tươi tắn, ôn hòa như người làm việc nhẹ nhàng, thoải mái. Ngoài ra, đặc điểm sinh lý học với nồng độ hormone kiểm soát cảm xúc tiết ra ít hay nhiều hoàn toàn ảnh hưởng đến ngưỡng chịu đựng của mỗi người. Cùng một sự cố xảy ra (bị ai đó lừa tiền chẳng hạn), có người phản ứng bằng cách mắng con cái đông đổng, có người đánh vợ/chồng cho bõ tức nhưng cũng có người chỉ im lặng “gặm nhấm” sự thiếu tỉnh táo của bản thân như một bài học nhớ đời.

     Vả lại, không phải ai nóng tính cũng là người xấu! Ai đó từng nói với tôi: thà làm bạn với người “bốc hỏa” ào ào một lúc rồi xong nhưng cái tâm thiện lành, còn hơn làm bạn với người lúc nào cũng nhẹ nhàng, ngọt ngào như mật mía nhưng “đâm” phía sau lưng mình lúc nào không hay! Tôi đồng ý là cái tâm thiện lành thì quan trọng hơn, nhưng nếu cái tâm thiện lành ấy đi chung với cách hành xử thiện lành nữa thì quá đỗi tuyệt vời. Mỗi chúng ta đều nỗ lực trên đường đời để hoàn thiện bản thân theo cách “tuyệt vời” như thế!

     Tin vui là con người chúng ta có tố chất thay đổi tính tình nếu thật sự muốn! Nếu ai đó đổ thừa rằng: “Tôi nóng tính thì kệ tôi, trời sinh ra đã vậy rồi dù tôi có muốn thế đâu!” thì cơ hội chuyển hóa sự nóng tính là gần như không có. Tuy nhiên, cốt lõi của mọi sự thay đổi đều bắt đầu bằng niềm tin mạnh mẽ. Tin rằng chúng ta thật lòng muốn hướng đến hình tượng tích cực hơn, yêu đời hơn! Tin rằng chúng ta sẽ thay đổi được nếu làm đúng phương pháp và kiên nhẫn! Tin rằng, khi “cởi bỏ” sự nóng tính tưởng như cố hữu ấy, chúng ta sẽ bắt đầu trang mới của cuộc đời: thể chất lẫn tinh thần khỏe mạnh hơn và mối quan hệ với gia đình, xã hội thăng hoa hơn!

     Dẫu vậy, “cởi bỏ” sự nóng tính không có nghĩa là “kiềm chế” hay “nuốt” sự tức giận vào bên trong. Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng cách này chỉ gây hại nhiều hơn lợi! Vì nóng tính bắt nguồn từ sự tức giận không được kiểm soát, muốn không còn nóng tính thì thực tập cách đối diện với tức giận một cách khoa học.

      Đúng là thế, chúng ta đối diện với tức giận vì tức giận là cảm xúc tự nhiên liên quan đến sự tiến hóa của loài người. Tức giận phát sinh khi tổ tiên ta phải xử lý với hiểm nguy đe dọa, tức giận khiến mỗi chúng ta có động lực để mạnh mẽ thực hiện một việc gì đó mà chúng ta tin là đúng. (Ví dụ, thấy bạn học cùng lớp đạt được học bổng của trường, một sinh viên tức giận vì ganh ghét nhưng cũng tạo nên động lực quyết tâm đạt được điểm cao hơn bạn đó.) Do vậy, tức giận là cảm xúc không thể nào bị triệt tiêu hoàn toàn trong thế giới loài người; có chăng là chấp nhận sự tồn tại của cảm xúc này và đối diện sao cho hợp lý.

     Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân, một số cách để làm nguội tức giận như sau:

  • Thở sâu. Hít vào và thở ra thật sâu từ cơ hoành. Cơ hoành hoạt động phối hợp với các cơ ở bụng và các cơ liên sườn. Khi cơ hoành hạ xuống, các nội tạng trong bụng bị dồn xuống, bụng phình lên, lúc ấy không khí bị hút vào. Khi cơ hoành nâng lên, không khí bị đẩy ra, các nội tạng bị kéo theo, bụng thót lại.
    • Thở sâu kiểu này trước hết phải tập động tác cơ bản là thót bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra, và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào.
    • Cách thở này không chỉ cung cấp thêm oxy cho cơ thể, mà còn tạo sự hưng phấn cho trung tâm hô hấp ở hành tủy, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh thực vật, tăng cường tuần hoàn và làm cho thần kinh ổn định. 

                                                         

  • Nghỉ giải lao. Nếu thấy tức giận vượt ngoài tầm kiểm soát, hãy thay đổi hoàn cảnh bằng cách ra khỏi phòng và đi bộ thư giãn.
  • Tập trung vào những việc khác. Đếm số từ 1 đến 10 rồi đếm lại. Cố gắng giữ trạng thái bình bĩnh.
  • Tập thể dục. Các hoạt động thể lực thường xuyên, đều đặn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm căng thẳng rất tốt.
  • Ngoài ra, để kiểm soát tốt tức giận, chúng ta cần cải thiện kỹ năng giao tiếp. Việc đầu tiên khi một cuộc thảo luận trở nên căng thẳng thì làm cho nó bớt căng. Cần lắng nghe một cách tích cực để tìm hiểu nguyên do tức giận. Lắng nghe tích cực sẽ giúp hiểu thấu đáo sự việc hơn, khách quan hơn, do đó giải tỏa được sự bực tức.
  • Với những biện pháp nêu trên, nếu vẫn không kiểm soát được tức giận xảy ra thường xuyên thì tốt nhất là đến chuyên gia tâm lý để có tư vấn thích hợp.

     Một số cách khác, theo The Healthy:

  • Xác định dấu hiệu. Thật khó để đưa ra lựa chọn thông minh khi đang chìm trong cảm xúc tiêu cực. Khi bắt đầu cảm thấy khó chịu, hãy tránh khỏi tình huống đó hoặc thử các kỹ thuật thư giãn để giảm bớt sự tức giận.
  • Giảm sự kỳ vọng. Tiến sĩ tâm lý học Bernard Golden, người sáng lập chương trình Giáo dục Quản lý Giận dữ và là tác giả cuốn Vượt qua cơn giận dữ: Chiến lược hiệu quả cho biết: “Phần lớn sự tức giận bắt nguồn từ việc có những kỳ vọng phi thực tế về người khác, về thế giới xung quanh và về chính bản thân. Giảm bớt những kỳ vọng này sẽ giảm nguyên nhân khiến ta tức giận”.
  • Thay đổi góc nhìn. Khi ai đó làm bạn tức giận, hãy thử giả vờ là một người ngoài cuộc đang xem tình huống đó. Tiến sĩ Bushman cho biết: “Những người tức giận thường đắm chìm trong hoàn cảnh và suy nghĩ về điều đã khiến họ tức giận. Khi xem mình là người ngoài cuộc, họ ít bị đắm chìm hơn”.
  • Thiền. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Mindfulness, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thiền định hằng ngày trong 3 tuần đã giảm đáng kể hành vi hung hăng. Không cần phải dành nhiều thời gian để thiền, chỉ vài phút mỗi ngày cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
  • Nghĩ về điều tích cực. Khi tức giận với một người thân thiết, hãy nhớ đến trải nghiệm mà bạn cảm thấy được quan tâm hoặc yêu thương người đó nhiều hơn, hoặc hình dung bản thân trong tương lai khi nhìn lại sự kiện này và tự hỏi mình sẽ cảm thấy thế nào khi thực hiện hành động này.

  • Ngủ. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Sleep, các nhà nghiên cứu đã phân tích nhật ký hằng ngày của 202 sinh viên đại học, gồm theo dõi giấc ngủ, những yếu tố gây căng thẳng hằng ngày và sự tức giận của họ trong suốt một tháng. Những người tham gia cho biết họ cảm thấy tức giận hơn vào những ngày thiếu ngủ so với những ngày được nghỉ ngơi đầy đủ.

     Là nạn nhân của những người nóng tính suốt thời thơ ấu đến tuổi thanh niên, tôi đã bị tấn công thể chất lẫn tinh thần đến mức ám ảnh ở tuổi trưởng thành. Tôi đã từng tức giận với sự nóng giận của những người ấy, kể cả người thân hay không thân, bằng cách rấm rức khóc. Hôm nay đây, tôi đã bỏ sự ám ảnh ấy sang một bên và mong ước về một xã hội có nhiều người biết đối diện với sự tức giận một cách khoa học. Có như thế, trẻ em sẽ được hưởng một môi trường sống lành mạnh!

     Đặc biệt, với cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng bủa vây giữa thời dịch bệnh, mỗi chúng ta càng nên tỉnh táo đối diện với cảm xúc tiêu cực để tránh gây hại cho bản thân và người mình thương yêu!

Nguồn tư liệu: tuoitre.vn, thanhnien.vn

Nguồn ảnh minh họa: freepik.com 

                                                                                                                                     Rita Nguyễn

                                                                                                                                      30/08/2021