
Một Đời Thương Thuyết
*Bài viết thuộc chuỗi cảm nhận về bộ sách “Kết Tinh Một Đời” của Giáo sư Phan Văn Trường
Bìa bộ sách. Nguồn ảnh: netabooks.vn
“Một Đời Thương Thuyết” là cuốn sách tiếng Việt đầu tay và cũng là cuốn đầu tiên trong bộ sách “Kết tinh một đời” của thầy Phan Văn Trường. Tác phẩm đã vinh dự nhận được Giải Sách Hay 2016, Hạng mục sách Quản trị, do Viện IRED và Quỹ Phan Châu Trinh tổ chức vào ngày 18/09/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Trường nhận thấy rằng, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, hầu hết các sách về chủ đề đàm phán thường mang nặng tính chuyên môn. Đặc điểm của những cuốn cẩm nang này là tập trung vào phương pháp mà không chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, những bài học thực tế lại rất quan trọng, chẳng hạn như việc truyền thông với một đối tác hoàn toàn khác biệt về văn hóa, phong tục và ngôn ngữ. Đó còn là những trở ngại khó lường khi đối diện với tham nhũng ở một số quốc gia, những lợi thế và cân nhắc khi sử dụng trung gian, luật sư và ngân hàng, cũng như cách thức bố trí “bản đồ kịch sĩ” cho phái đoàn “phe mình” trước khi ra trận, v.v.. Những yếu tố này đã được thầy mô tả cặn kẽ qua từng chương sách.
Đối với thầy Trường, thương thuyết là một bộ môn nghệ thuật – các bên phải đạt đến trạng thái vui vẻ, cởi mở thì mới “thuận mua vừa bán”. Và chính vì thương thảo là nghệ thuật nên thầy chủ trương chia sẻ kinh nghiệm bản thân để bạn đọc có thể tiếp thu một cách tự nhiên nhất. Khi mở từng trang sách, độc giả có cảm tưởng như đang xem một bộ phim sống động với những cung bậc cảm xúc khác nhau: khi thì hồi hộp vì không biết câu chuyện sẽ đi về đâu, lúc lại bất ngờ vì những nút thắt tưởng chừng khó khăn lại có thể dễ dàng tháo gỡ, khi thì tiếc ngẩn ngơ vì cuộc đàm phán không như ý muốn, lúc lại vỡ òa vì thương thuyết thành công.
Bìa sách. Nguồn ảnh: tuoitre.vn
Trong tác phẩm “Một Đời như Kẻ Tìm Đường”, thầy Trường đã khéo léo lồng ghép truyền thuyết Từ Thức lên non tìm động hoa vàng để người đọc thấy rằng: ẩn sâu trong những áng văn thơ là những vấn đề mà cho đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Và một lần nữa, thầy lại vận dụng thủ pháp đó một cách tài hoa trong cuốn sách này khi lồng ghép 10 câu thơ lục bát của bài “Thằng Bờm có Cái Quạt Mo”:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười
Ắt hẳn bạn đọc nào cũng đều thuộc làu bài thơ trên vì tính vui nhộn, hóm hỉnh, dễ đọc, dễ nghe. Thế nhưng, qua việc phân tích kỳ cựu của thầy Trường thì chúng ta mới kinh ngạc nhận ra rằng Bờm và Phú ông là hai tay cao thủ về thương thuyết, dù cho hai nhân vật này có vị thế xã hội hoàn toàn đối lập – tưởng chừng như không có gì ngang bằng để trao đổi. Bài ca dao này hàm chứa đầy đủ những góc cạnh của thương thảo như: xác định chính xác món hàng đổi trao (quạt mo), rà soát ý muốn của đối phương (từ ba bò chín trâu, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi đến… nắm xôi), và kết thúc đàm phán bằng sự vui vẻ (Bờm cười). Câu chuyện của Bờm hóa ra thật thú vị và sâu sắc!
Minh họa câu chuyện dân gian thằng Bờm. Nguồn ảnh: vietnamhoc.net
Thương thuyết không phải điều gì quá chuyên môn và nghiêm trọng như những vụ làm ăn của tập đoàn đa quốc gia, mà còn hiển hiện trong mọi tình huống của đời sống như cưới hỏi, mặc cả khi mua hàng, thương lượng với cấp trên để tăng lương, thảo luận nhóm, v.v.. Dù vậy, không phải ai cũng tự tin về kỹ năng giao tiếp và sẵn sàng đối đáp với những người xung quanh, thậm chí có khi còn thấy “khớp” trước những người lão luyện và thành công. Hi vọng rằng cuốn sách này sẽ đem lại cho bạn những gợi ý về thái độ và sự chuẩn bị cần thiết để giữ vững sự điềm tĩnh, vui vẻ cũng như tạo lập và duy trì quan hệ bền đẹp với đối tác, nhưng quan trọng nhất vẫn là thương thuyết thành công và các bên đều có lợi.
***Thông tin về giải thưởng của cuốn sách:
Ngày 05/05/2022
Tác giả: Dương Lê Thiên An
Biên tập: Rita Nguyễn