Posted on: June 4, 2022 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

Một Đời Quản Trị

*Bài viết thuộc chuỗi cảm nhận về bộ sách “Kết Tinh Một Đời” của Giáo sư Phan Văn Trường

Ở Việt Nam, sau thời bao cấp, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn. Làm thế nào để đủ ăn đủ mặc đã là một nỗi nhọc nhằn của bao người, huống hồ chi nói tới chuyện kinh doanh! Thế nhưng, trong bối cảnh đặc biệt với một thị trường mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, vẫn có nhiều cá nhân với tinh thần doanh nhân mãnh liệt trong huyết quản đã “tay không xây dựng cơ đồ”, tạo nên những doanh nghiệp phát triển và đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu người.

Thế nhưng, nhiều người trong số ấy đã chia sẻ với thầy Phan Văn Trường rằng họ rất tiếc vì chưa bao giờ được lĩnh hội những kiến thức quản trị một cách chuyên nghiệp. Thay vào đó, đa số trường hợp phải dùng trực giác và linh tính để ra quyết định, cũng như từng bước gây dựng doanh nghiệp theo hướng “được tới đâu lo tới đó”. Điều may mắn là họ đã thành công trên doanh trường, nhưng khó khăn là khi đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp thì họ phải đối mặt với vô vàn thử thách và rủi ro ngoài tầm kiểm soát. Đó là những vấn đề đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp như không giữ được nhân viên dù có chính sách đãi ngộ hậu hĩnh, quá nhiều quy trình và bí mật của doanh nghiệp dễ bị tiết lộ, đặc biệt là làm sao để tìm được người kế thừa xứng đáng để tránh rơi vào tình cảnh “cha làm thầy, con đốt sách”, v.v..

Là người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc ở khắp nơi trên thế giới, cộng thêm một thời gian dài gắn bó với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực, thầy Trường vừa tiếp thu những phương pháp lãnh đạo bài bản của phương Tây, vừa am hiểu văn hóa làm việc cùng những tình huống đặc thù của các công ty nước nhà. Từ đó, bằng nỗi trăn trở và tâm huyết sâu nặng muốn chia sẻ những kinh nghiệm quản trị của mình, thầy đã đúc kết những điều tinh hoa nhất trong từng trang sách để lại cho đời. Thầy kỳ vọng rằng những nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Việt Nam có thể nhanh chóng nắm bắt và áp dụng thuật quản trị vào doanh nghiệp, tổ chức, hay đội nhóm một cách hiệu quả hơn.

Thầy Trường định nghĩa rằng “Quản trị là làm đúng việc, chọn đúng người, đúng thời điểm”. Theo thầy, cái khó trong quản trị là “gắn kết người với người và gây động lực cùng với sự sáng tạo tối đa”. Qua từng chương sách, thầy đưa bạn đọc khám phá những góc cạnh của quản trị như văn hóa doanh nghiệp, những vấn đề thường gặp về cơ cấu tổ chức, “bệnh tình” mà các công ty hay mắc phải, tuyển dụng và chia tay nhân sự, v.v.. Từ đó, bạn đọc có thể tự tin rằng kỹ năng quản trị và lãnh đạo của bản thân hoàn toàn được nâng lên tầm cao mới nếu chịu khó học hỏi và rèn luyện đúng cách.  

Trong bộ sách “Kết Tinh Một Đời”, nếu “Một Đời như Kẻ Tìm Đường” thiên về triết lý sống, “Một Đời Thương Thuyết” nghiêng về những kỹ năng đối nhân xử thế, thì “Một Đời Quản Trị” tập trung vào những nguyên lý quản trị. Vẫn với giọng văn nhẹ nhàng đầy tính kể chuyện đời, những điều tưởng như giáo điều và khô khan ấy được thầy dẫn dắt rất dễ hiểu, dễ thấm và dễ đi vào lòng người. Cũng như câu chuyện về chàng Từ Thức được đưa vào cuốn “Một Đời như Kẻ Tìm Đường”, bài thơ “Thằng Bờm có Cái Quạt Mo” được lồng ghép vào tác phẩm “Một Đời Thương Thuyết”, thì ở đây, một lần nữa, thầy Trường khéo léo đan xen văn hóa Việt Nam trong một quyển sách mang đậm kiến thức phương Tây với bài ca dao “Đố Ai” dân dã của nước Việt:

                                                                       “Đố ai đếm được lá rừng
                                                               Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
                                                                        Đố ai đếm được vì sao
                                                               Đố ai đếm được công lao mẹ già”

Bài ca dao đố ta đếm được những thứ từ gần gũi đến xa vời (lá rừng, trời cao, vì sao), đến cuối cùng lại thử thách ta đo công ơn đấng sinh thành – một điều rất đỗi bao la, vô hạn. Nào đâu ta có thể cân đo đong đếm tình thương của mẹ hiền! Và thú vị thay, đây cũng là một nguyên tắc trong quản trị mà thông qua phân tích của thầy, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết, đó là: Đừng đo những thứ không thể đo. Hãy lấy thước đo để quản lý và lấy lương tri để quản trị. Suy cho cùng, tuy có những nguyên tắc cần tuân thủ, nhưng tự bản thân lĩnh vực quản trị lại không hề chủ trương sử dụng mánh khóe, chiêu trò. Nói cách khác, nhà quản trị đúng nghĩa là người có trái tim ấm nóng trong việc đối nhân xử thế hòa hợp và tích cực nâng bước nhau cùng tiến bộ, khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên hạnh phúc, tròn đầy.

Để kết lời, xin mượn 2 câu thơ ở trang bìa cuốn sách này mà thầy Trường đã khéo léo kết hợp từ bài “Đố Ai” và sự nhân ái trong quản trị để bạn đọc cùng suy ngẫm. Theo thầy, tinh thần “nice and professional – tử tế và chuyên nghiệp” chính là kim chỉ nam trong quá trình tìm hiểu và thực hành quản trị:

                                                                     “Đố ai đếm được vì sao
                                                         Một đời quản trị biết bao nhiêu tình”

Nguồn ảnh:

https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/ket-tinh-mot-doi-thanh-qua-cua-gs-phan-van-truong-tang-ban-doc-tre-33807.html

                                                                                                                   Ngày 04/06/2022

                                                                                                           Tác giả: Dương Lê Thiên An 

                                                                                                           Người biên tập: Rita Nguyễn