
6 LÝ DO KHIẾN TÔI MÊ THĂM BẢO TÀNG
Năm 2007, sinh viên năm hai chúng tôi phải đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tham quan để viết bài cảm nhận lấy điểm theo yêu cầu của giảng viên môn Lịch sử Đảng. Với sự bắt buộc ấy, lần đầu tiên tôi biết thế nào là bảo tàng. Dù rằng một số thông tin hình ảnh được trưng bày trong ấy khá quen thuộc vì đã được đưa vào sách lịch sử cấp 3, chúng tôi không kiềm chế được cảm xúc mạnh khi nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh qua ảnh và tư liệu. Vì trải nghiệm không lấy gì làm vui ấy và cũng không còn ai “bắt” phải tới viện bảo tàng, tôi quên lãng về sự tồn tại của bảo tàng trong nhiều năm.
Mô hình mô phỏng kiến trúc Đông Nam Á được trưng bày ở Bảo tàng Guimet chuyên về nghệ thuật châu Á (Paris, Pháp)
Thế rồi, năm 2014, như một bước ngoặt “khai sáng” tư duy, tôi trở thành “fan” của hoạt động thăm viếng bảo tàng ở các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khoa học, nghệ thuật và giải trí mỗi khi đi du lịch đó đây. Hoạt động này trở thành sở thích của tôi và may mắn thay khi người bạn đời của tôi cũng vậy! Đây là 6 lý do khiến tôi mê đi thăm bảo tàng.
Tác giả tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ PIMA – Arizona, Hoa Kỳ.
…
1. Kích thích trí tò mò
Bước ngoặt ấy đến khi tôi làm việc ngắn hạn ở Ba Lan nhờ gói học bổng Tình nguyện viên Quốc tế. Trong một dịp nghỉ lễ, người bạn Ấn Độ rủ tôi đi thăm Auschwitz (hay còn gọi là KL Auschwitz hay KZ Auschwitz theo tiếng Đức). Đây là trại tập trung và trung tâm tàn sát tù nhân chính trị hàng loạt lớn nhất của Đức Quốc xã sau khi chiếm đóng Ba Lan với hơn 1,1 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã mất mạng. Trong số đó, phần lớn nạn nhân là người Do Thái. Ngày nay, Auschwitz được sử dụng như bảo tàng nhằm lưu giữ toàn bộ tổ hợp rộng lớn có giá trị lịch sử cao và nhằm tưởng niệm những nạn nhân đã khuất.
Trước mặt tôi là chân dung của hàng trăm người Do Thái mặc áo tù nhân kẻ sọc rất đỗi gầy gò với đôi mắt lũng sâu đầy mệt mỏi trong một khu trại. Nơi khác, nhìn vào vật phẩm còn lưu lại trong những lồng kính với cả đống cao giày dép cũ của người lớn lẫn trẻ em đã chuyển màu nâu đen như đang mục ruỗng, cả hàng trăm chiếc chân tay giả và nẹp chỉnh hình chồng chất lên nhau, và đặc biệt là núi tóc của nạn nhân khiến tôi nổi hết da gà. Xem thông tin về cách những nạn nhân bị tra tấn và đối xử vô cùng tàn nhẫn, rồi bị ép chết hàng loạt trong phòng hơi ngạt mà tim tôi thắt lại.
Dù đã được học về lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, về sự tàn bạo của Đức quốc xã, câu chữ học vẹt mau chóng bị tôi lãng quên ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cấp 3. Chỉ khi đến bảo tàng như Auschwitz, tôi mới nhận ra sự thờ ơ của bản thân với sự kiện lịch sự quan trọng trên thế giới. Từ đó, tôi có động lực để xem những thước phim tài liệu về Đức quốc xã, Hitler và sự phân biệt chủng tộc với người Do Thái tàn bạo đến thế nào. Nói cách khác, nhờ đến bảo tàng, trí tò mò ham học hỏi của tôi được kích thích mạnh mẽ hơn. Và chính chuyến đi “định mệnh” ấy đã khiến tôi muốn được thăm viếng nhiều bảo tàng hơn bao giờ hết! Từ độ ấy, mỗi khi du lịch đến đâu có bảo tàng phù hợp, tôi đều ghé tham quan.
Tại sảnh vào của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
2. Cảm nhận và ghi nhớ được thông tin dễ dàng hơn.
Vốn được sinh ra và lớn lên ở miền Nam bộ, tôi có nghe về đạo Mẫu nhưng chưa bao giờ thấy ai xung quanh theo đạo Mẫu. Dù có đọc thông tin trên các website thì tôi vẫn không “cảm” được nội dung một cách rõ ràng. Tuy nhiên, lần ấy, khi bước vào khu trưng bày đạo Mẫu ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với những bức tượng sống động, những dòng thông tin chi tiết, không gian được đánh đèn tăng hiệu ứng thiêng liêng, và suy nghĩ của những người dân phía Bắc về sự quan trọng của đạo Mẫu trong đời sống tâm linh và văn hóa của họ, tôi đã “cảm” được rõ ràng hơn về truyền thống rất Bắc bộ này!
Tương tự, tôi chỉ cảm thấy nặng đầu khi đọc những trang giấy đầy chữ trong sách lịch sử về Việt Nam và thế giới nhưng việc tham quan bảo tàng giúp tôi có cảm xúc hơn và nhớ thông tin tốt hơn. Sự kết hợp của ánh sáng, hình ảnh, nội dung diễn giải và thậm chí âm thanh trong một không khí rất chuyên biệt về chủ đề có tác dụng lớn trong việc thu hút sự chú ý của người tham quan. Đôi khi chỉ đứng ngay ở vị trí có giá trị lịch sử quan trọng cũng khiến thế hệ sau có cảm giác kết nối vô hình với thế hệ trước. Tôi còn nhớ cảm giác bồi hồi rất lạ khi đứng ngay vị trí mà Nhật ký kết đầu hàng Hoa Kỳ và các nước đồng minh vào ngày 02/09/1945 nhằm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 trên chiến hạm U.S.S. Missouri.
Chiến hạm USS Missouri tại Trân châu Cảng (Hawaii, Hoa Kỳ) được sử dụng cho khách tham quan
Một phần của bảo tàng Bishop về lịch sử, văn hóa và môi trường sống tại Hawaii, Hoa Kỳ
3. Mở mang tư duy và mở rộng vốn sống
Cũng như bao người ngoại đạo với thế giới mỹ thuật và điêu khắc, tôi không hiểu được những tác phẩm mang tính trừu tượng hoặc biểu tượng. Với tôi, tác phẩm nào thể hiện sự chi tiết, tinh tế và trông giống thật nhất thì được coi là đẹp. Tôi cũng bao lần giật mình khi thấy một bức tranh được đánh giá rất cao và rất đắt đỏ dù trông “xấu lạ”. Tôi từng tự hỏi: là do bản thân mình chưa đủ trình để thấy cái đẹp hay vì hiệu ứng truyền thông cao khiến độ nổi tiếng tác giả và bức tranh được “thổi phồng” lên như thế!?
Sau khi tham quan hơn 15 bảo tàng nghệ thuật lớn nhỏ, tôi nhận ra rằng nghệ thuật quả là “bức tranh muôn màu” mà cái biết của tôi chỉ như hạt cát sa mạc. Tương tự như âm nhạc, lắng nghe bài hát ở mỗi thời kỳ lịch sử giúp cho chúng ta hình dung được hoàn cảnh xã hội và câu chuyện gắn liền với cảm xúc của người sáng tác. Đồng thời, việc tìm hiểu câu chuyện sau mỗi bài hát một cách kỹ càng giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của bài nhạc. Hội họa điêu khắc cũng vậy!
Bản sao chép tác phẩm nổi tiếng của nghệ sỹ Andy Warhol, người đầu tiên triển lãm tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực nhằm chống lại xu hướng sáng tác theo chủ nghĩa trừu tượng.
Chẳng hạn, có những bức tranh mà thoạt nhìn thì rất đơn giản nhưng lại được đánh giá rất cao. Sự đặc biệt không nằm ở tổng thể bức tranh có hoàn mỹ hay không, mà vấn đề nằm ở sự tiên phong sử dụng vật liệu hay kỹ thuật bút pháp và phối màu độc đáo trong tác phẩm ấy mà chưa ai từng thực hiện trước đó. Chính sự tiên phong ấy đã khơi mào cho sự đổi mới về mặt kỹ thuật hội họa sau này hoặc kỹ thuật ấy là đặc thù chỉ có tác giả đó làm tốt nhất mà thôi; vì thế mà tác giả và tác phẩm ấy nổi tiếng. Như vậy, không nhất thiết phải là chuyên gia trong ngành hội họa, bất cứ ai coi trọng sự tiên phong đổi mới hay phong cách “có bản sắc” đều cảm được tại sao tác giả và tác phẩm ấy lại được khen ngợi đến thế!
Hãy nói về bức Mona Lisa với các ý kiến trái chiều: kẻ khen người chê trong cộng đồng người Việt trong thời gian gần đây. Đúng là bản thân tôi không thấy tác phẩm xuất sắc hay gây ấn tượng mạnh về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, không thể bàn cãi, Mona Lisa sở hữu giá trị vô giá về mặt lịch sử với tuổi đời hơn 500 năm và vì là tác phẩm hội họa của nghệ sĩ nổi tiếng Leonardo da Vinci. Dù kẻ ngoại đạo như tôi không thấy bức tranh đẹp nhưng tác phẩm là minh chứng cho tài năng bậc thầy của Leonardo về kỹ thuật sfumato. Kỹ thuật này tạo nên sự chuyển tiếp không thể nhận thấy giữa ánh sáng và bóng râm, và đôi khi pha trộn các màu sắc mà không có đường viền, theo kiểu khói một cách tinh tế. Những chuyên gia trong ngành hội họa sẽ phân tích bức tranh ở nhiều khía cạnh để đánh giá sự đặc biệt của nó – không chỉ đơn giản là trông xấu hay đẹp trong mắt công chúng.
Khách tham quan chen chúc để chụp hình với tác phẩm Mona Lisa tại bảo tàng Lourve, Paris – Pháp.
Ấy là về khía cạnh kỹ thuật ngoài chuyên môn của tôi, bức Mona Lisa còn sở hữu giá trị xã hội cao mà tôi quan tâm. Chỉ riêng việc tìm hiểu câu chuyện đằng sau khiến bức tranh được cả thế giới đổ dồn sự chú ý và sự kỳ công để bảo tồn nó là đủ thú vị đối với tôi. Nói cho cùng, tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm, giá trị thương mại của nó cao hay thấp là phụ thuộc vào mức độ quan tâm của số đông như bao sản phẩm khác trong thị trường. Khi có dịp ngắm nàng Mona Lisa cách đây không lâu, tôi không quan tâm tới nét vẽ hay cách phối màu là bao mà quan tâm tới việc kiệt tác được trưng bày và bảo vệ ra sao, đám đông cuồng nhiệt xếp hàng dài để có cơ hội được chụp hình với nàng như thế nào. Chính hiện tượng xã hội ấy khiến tôi thật sự ấn tượng!
Tôi đi nhiều bảo tàng nghệ thuật thì không có nghĩa là tôi nhớ hết thông tin tác giả tác phẩm. Mỗi lần thăm, tôi chỉ lưu lại một số thông tin mà tôi thật sự thích thú. Nhờ thế, tôi dần dần nhận biết được một số trường phái hội họa, một số tác giả nổi bật và phong cách của họ. Hơn hết, quan trọng là tôi thay đổi cách nhìn về cuộc sống: không nên đánh giá mọi sự vật hiện tượng một cách hời hợt bằng cái nhìn chủ quan của bản thân mà thiếu thông tin cần thiết.
4. Kích thích sự sáng tạo
Nơi mà tôi luôn cảm thấy phấn khích khi đến bảo tàng nghệ thuật là không gian triển lãm các tác phẩm đương đại. Lý do chính là vì tôi có thể kết nối được với chủ đề mà các tác giả sống cùng thời muốn thể hiện. Đặc biệt, với môi trường xã hội hiện đại đề cao tính sáng tạo, cởi mở và phóng khoáng cùng sự phát triển cao của công nghệ kỹ thuật, nghệ sĩ gần như không có rào cản về mặt chất liệu và ý thức để tạo nên nhiều tác phẩm rất độc và lạ nhằm thể hiện quan điểm cá nhân cho nhiều vấn đề xã hội. Tôi tin là nhiều người thuộc thế hệ trước vốn dĩ quen thuộc với nghệ thuật “chân chất” sẽ khó cảm được vị nghệ thuật “điên điên” của thời đương đại.
Tác phẩm Sau sự Hồi Sinh (Vox Humana III – Sức mạnh của Âm nhạc vẫn Tồn tại sau khi các Nhạc cụ bị Phá hủy) của tác giả Lonnie Holley tại Bảo tàng Nghệ thuật Philbrook (Oklahoma, Hoa Kỳ)
Tôi không hẳn là hiểu và cảm được nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc hay sắp đặt thời đương đại nhưng tôi rất ngưỡng mộ sự sáng tạo đến mức bất thường của nhiều tác giả. Người ta hay nói vui mà rất thực: nghệ sĩ mà không có “tính điên” trong lối suy nghĩ khác thường thì khó sáng tác được tác phẩm để đời. Nhờ ngắm nhìn những tác phẩm độc lạ ấy, tôi có cảm giác hứng thú và thường tự hỏi: điều gì khiến tác giả có ý tưởng “quái” đến vậy!? Ngoài ra, tôi còn có động lực để buông bỏ những suy nghĩ và tư duy cố hữu để sáng tạo hơn trong mọi mặt của đời sống. Tôi thậm chí có cảm hứng để cầm cây bút chì lên và bắt đầu vẽ theo sở thích sau 20 năm gián đoạn.
Một phần của tác phẩm The Procession (Cuộc diễu hành) của nghệ sĩ Hew Locke tại bảo tàng Tate Britain thể hiện câu chuyện về thực dân đô hộ với cách xếp đặt siêu thực.
5. Có tính giải trí cao
Bên cạnh đó, có những bảo tàng ra đời thuần tính giải trí như chuỗi 21 bảo tàng Madame Tussauds trên thế giới, nơi trưng bày bản sao bằng sáp với kích thước thật của những người nổi tiếng, hoàng gia và các biểu tượng lịch sử. Bước chân vào không gian được trưng bày cầu kỳ, sáng loáng và trang phục sang trọng của những người nổi tiếng khiến khách tham quan cảm thấy phấn chấn lên hẳn. Bạn có thể sáng tạo đủ phong cách để lưu lại những kỷ niệm đẹp cùng người bạn hâm mộ hoặc yêu mến dù chỉ là… phiên bản sáp. Những ai yêu thích văn hóa pop (đặc biệt là giới trẻ) có thể khám phá Pop Culture Museum hay Geppi’s Entertainment Museum ở Hoa Kỳ hay Teddy Bear Museum ở Thái Lan.
6. Phương án hay trong điều kiện khắc nghiệt
Một ngày tháng 7/2022, London bước vào ngày nắng nóng lịch sử, hơn 40 độ C. Thay vì đi dạo ở vườn bảo tồn thực vật như dự định, tôi buộc phải “trú thân” trong phố bảo tàng để tránh cái nắng nóng hầm hập. Nhờ vậy, tôi lại có dịp được thưởng thức nhiều tác phẩm thú vị trong Bảo tàng nghệ thuật V&A và ngắm nhìn những cổ vật về khoa học kỹ thuật trong Bảo tàng Khoa học. Ở London, tất cả các bảo tàng quốc gia đều miễn phí cho khách tham quan và số lượng bảo tàng như vậy là trên 30.
Trống đồng Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Nhạc cụ Âm nhạc ở Arizona, Hoa Kỳ
…
Cũng nên nói thêm, không phải bảo tàng nào cũng có chất lượng. Có những bảo tàng do tư nhân lập ra với mục tiêu kinh doanh ở địa điểm đông đúc khách du lịch. Họ không có đủ nguồn vật phẩm để trưng bày và cách trưng bày thì rất sơ sài nghèo nàn trong không gian chật hẹp; trong khi giá vé lại cao. Một trong số này là Bảo tàng Những bí mật Phố Đèn Đỏ (Red Light Secrets Museum) tại Amsterdam. Giá mà câu chuyện của những người làm trong nghề mại dâm ở đó được kể và trưng bày một cách tốt hơn thế! Nói chung, việc tìm hiểu thể loại và chất lượng của bảo tàng trước khi thăm là thật sự cần thiết.
Dù rằng người Việt Nam sống ở Hoa Kỳ như tôi hoặc người trong nước có điều kiện đi du lịch nước ngoài thường xuyên sẽ gặp thuận lợi hơn để thăm viếng số lượng bảo tàng nhiều với đa dạng thể loại, người Việt du lịch nội địa có tới 162 lựa chọn trải dài từ Bắc đến Nam. Tôi mới chỉ thăm một số bảo tàng ở Điện Biên, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh và nhận thấy cách trưng bày khá chuyên nghiệp. Có dịp về, tôi sẽ tiếp tục hành trình khám phá bảo tàng ở Việt Nam để học hỏi nhiều điều về quê hương xứ sở mà một người từng sống đến tuổi trưởng thành như tôi đã bỏ lỡ.
Một tác phẩm bằng kim loại được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại, (Amsterdam, Hà Lan) nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường.
Ngày 15/08/2022
Rita Nguyễn t