
KHÔNG CÓ CON LÀ VÔ DỤNG?
Vốn sống xa nhà cách nửa vòng trái đất, tôi chỉ có thể gọi điện về hỏi thăm gia đình nhân dịp tết đến xuân về. Ấy vậy mà, cách đây vài năm, cực chẳng đã, tôi rơi vào thế phải tranh cãi không đáng có với người bà con trong buổi tiệc tất niên. Dù không thuộc loại người nhớ dai hay thù dai, lời lẽ của người ấy thỉnh thoảng lại trỗi dậy khiến lòng tôi như xát muối.
Tôi là phụ nữ đã lập gia đình, ngoài ba mươi tuổi và cả hai chúng tôi quyết định không sinh con. Phụ huynh bên phía nhà chồng không can thiệp và cũng không nói ra mong đợi của bản thân, miễn chúng tôi bình an và hạnh phúc là quá đủ. Phụ huynh bên phía nhà tôi thì khó chấp nhận sự thật lúc ban đầu, nhưng dần dần cũng nguôi ngoai. Nói cho cùng, cuộc sống xa xứ sướng vui hay phiền muộn cũng chỉ mình tôi biết, gia đình không thể can dự nên tôn trọng quyết định riêng của tôi.
Phụ nữ bị phân biệt đối xử ở hầu hết các quốc gia. Nguồn ảnh: Teachwire
Ấy vậy mà, người bà con ấy rất thẳng thắn “tạt gáo nước đá” vào mặt tôi: “Không muốn sinh con hay không thể sinh được? Nói thật ra nghe xem nào! Có khi nào bị bệnh gì rồi không? Làm gì có phụ nữ nào lại không muốn sinh con? Đàn bà con gái mà không sinh con là hạng vô dụng rồi!” Tôi ráng giữ bình tĩnh và đưa ra vài lời tranh luận với cái “giọng ông Trời” ấy nhưng không giấu được sự bất mãn trong lời nói của mình. Ba tôi phải cười giả lả và lấy lại điện thoại, bảo tôi gọi lại vào hôm sau.
Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người có suy nghĩ giống như thế trong xã hội này: phụ nữ có giá trị chỉ khi thực hiện được chức năng gây dựng giống nòi? Và có bao nhiêu người có tư duy như vậy hỏi gặng gia đình tôi ngày này sang tháng nọ: “Sao con gái anh chị chưa sinh con?”? Có lẽ đủ nhiều để má tôi cảm thấy đủ ngại để bịa ra lý do gây thương cảm: “Con gái tôi đang bị bệnh phụ khoa nên cũng khó đậu thai ở thời điểm này!”. Tôi ở xa và vốn không muốn để tâm đến “lời ong tiếng ve” của thiên hạ, nhưng nghĩ đến cảnh gia đình bị quấy nhiễu về chuyện của tôi, tôi không thể không ức chế! Tôi còn trách má: “Má phải bịa ra chuyện bệnh phụ khoa làm gì?! Sao không nói thật với họ, con có làm gì tội lỗi với ai đâu?!”. Tuy vậy, tôi hiểu sự phiền phức của tình làng nghĩa xóm hay tình đồng nghiệp như thế nào khi họ luôn tỏ ra quan tâm thái quá mà thiếu hẳn cái duyên giao tiếp.
Nhiều cặp vợ chồng sinh con đẻ cái có lý do đặc thù như để gia đình đông vui, xây dựng mối quan hệ vợ chồng gắn kết hơn, tiếp nối gia phả, đóng góp nguồn lao động cho xã hội, hoặc/và có người chăm lo khi về già, v.v. Một số cặp vợ chồng quyết định không sinh con cũng có lý do đặc biệt dù không phổ biến như để tiết kiệm nguồn lực nhằm bảo vệ môi trường, vì tình hình tài chính không đủ an toàn, thấy dân số thế giới đã quá dư thừa, thấy tình hình dịch bệnh hay chiến tranh ngày nay diễn biến ngoài tầm kiểm soát, có những ưu tiên khác quan trọng nên tự thấy không thể trở thành người cha người mẹ mẫu mực, hoặc/và đơn giản là bản thân họ không muốn có con vì chấn thương tâm lý khi tuổi còn thơ, v.v. Với tôi, đúng rằng mỗi gia đình là một tế bào của xã hội và xã hội có quyền mong đợi mỗi gia đình sống có văn hóa và văn minh theo một tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với pháp luật và truyền thống. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân trong xã hội có quyền can thiệp hay phán xét quyết định sinh con hoặc không sinh con của mỗi cá nhân.
Biến đổi khí hậu nhanh chóng khiến nhiều người phải suy xét kỹ lưỡng việc có nên sinh con hay không. Nguồn ảnh: CNBC
Tôi cũng chứng kiến một người bạn lấy chồng giữ vai trò đích tôn. Áp lực của nhà chồng về đứa con trai nối dõi là vô cùng lớn khiến cô bạn phải “ráng đẻ” tới ba lần để ghi điểm nhưng lại ra toàn con gái, trong khi tiền bạc thiếu hụt khiến bữa đói bữa no. Do đó, mẹ chồng đối xử với con dâu lớn rất lãnh đạm chỉ vì chưa làm tròn bổn phận của “chiếc máy đẻ”. Nghiệt ngã là vậy! Sinh con mà không ra được giới tính như nhà chồng mong đợi thì người phụ nữ đã mang thiệt thòi. Phụ nữ vì vấn đề sức khỏe mà không thể sinh con thì dù được thương cảm vẫn như một “món hàng lỗi” trong mắt của bao người. Còn phụ nữ chủ động không sinh con như tôi thì bị xem là “vô dụng” đáng bỏ đi. Làm thân phụ nữ, sao quá khó cho vừa lòng người!
Phân biệt đối xử giữa con gái và con trai. Nguồn ảnh: The Ohio State University
Dù người dân ở các vùng đô thị lớn cấp quốc gia có xu hướng sống thoáng và cởi mở hơn phần nào, số đông người Việt Nam ở các khu vực còn lại vẫn chưa thoát khỏi tư duy định kiến giới sâu nặng. Sự phân biệt đối xử với phụ nữ đã ăn sâu trong cội rễ của nền văn hóa phương Đông cả hàng ngàn năm qua và người ta vẫn nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường. Không chỉ đàn ông mà chính phụ nữ đã có con đề huề tự cho mình cái quyền “xỉa xói” và đánh giá nhân phẩm của người phụ nữ không có con. Hành động ngỡ như vô thưởng vô phạt này bởi miệng lưỡi thế gian đã vô tình gây tổn thương tinh thần cho biết bao người và gia đình của họ. Đặc biệt là với những người phụ nữ hiếm muộn vốn đã đau khổ vô ngần vì ước mong đường con cái chưa thành tựu!
Phụ nữ có nhân quyền như đàn ông và cần được tôn trọng. Nguồn ảnh: Giving Compass
Sau tất cả, tôi cho rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng xứng đáng được tôn trọng không chỉ vì vai trò làm mẹ của họ. Họ có quyền làm người ngang bằng với phái nam và họ không đáng bị chỉ trích vì sự áp đặt và áp lực của xã hội lên chuyện cá nhân của họ. Ước ao nhỏ bé của tôi là đấng phụ huynh nhà tôi sẽ không bị phiền nhiễu một cách vô lý theo kiểu: “Sao con gái anh chị không có con? Phụ nữ chỉ có mỗi thiên chức làm mẹ mà làm không được thì vô dụng quá rồi! Có gì anh chị chỉ dạy nó thêm đi!”. Nhiều người nói cho “sướng miệng” mà không nhận ra bản thân họ bị thiếu hai điều quan trọng: sự tế nhị và tư duy về sự công bằng giới tính.