
Một Đời Như Kẻ Tìm Đường
*Bài viết thuộc chuỗi cảm nhận về bộ sách “Kết Tinh Một Đời” của Giáo sư Phan Văn Trường
“Ta về tìm lại chính ta,
Xin làm một chiếc lá đa sân đình”
Khi đọc hai câu thơ trên trang bìa cuốn sách và ngắm nhìn chân dung tác giả trong bộ quần áo bà ba giản dị, có thể các bạn sẽ nghĩ rằng đây là tác phẩm viết về trải nghiệm đời thường của một lão nông hồn hậu, yêu thi ca Việt Nam. Kỳ thực, cuốn sách này là sự chắt lọc từ những kinh nghiệm của một cựu doanh nhân đã từng bôn ba khắp năm châu bốn bể, nắm giữ vị trí lãnh đạo của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong thế kỷ XX. Thật là bất ngờ, phải không các bạn?!
Sau gần nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thầy Phan Văn Trường quay trở về Việt Nam, đem hết những hiểu biết mà thầy tích lũy được và đi khắp mọi miền đất nước để truyền lại cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp cùng các bạn trẻ – những người mang trong mình bầu nhiệt huyết, đam mê và nỗ lực không ngừng để cùng xây dựng quê hương. Những kinh nghiệm của thầy cũng được phản ánh trong bộ sách “Kết tinh một đời” mà trong đó “Một đời như kẻ tìm đường” là cuốn sách mới nhất và được thầy viết năm 2019.
Sở dĩ tôi chọn cuốn sách được thầy viết gần đây nhất để giới thiệu với bạn đọc là vì tác phẩm này bao gồm những chủ đề rất thân quen với phần đông độc giả. Đó là sự phân vân và đắn đo khi phải đứng trước ngã ba đường trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời như chọn ngành học, chọn công việc, chọn bạn đời, chọn lựa giữa làm thuê và khởi nghiệp, v.v. Với lối hành văn giản dị, gần gũi, không mang tính hàn lâm hay giáo điều, thầy đã chạm đến trái tim của người đọc với những cảm nhận sâu sắc của một người từng trải, hiểu đời và yêu người:
“Khoảnh khắc khó chịu nhất có lẽ là khi mình đã lỡ chọn một hướng đi, nhưng ngộ được rằng con đường này nhiều chông gai, lắm rào cản và lại còn không phù hợp. Trong lòng, lúc ấy chỉ muốn được quay trở lại để bắt đầu, để lựa chọn lại một hướng khôn ngoan hơn.”
Tác phẩm này được viết với tinh thần độc lập giữa các chương, mặc dù 20 chương sách có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vậy nên bạn đọc có thể ưu tiên chọn đọc những nội dung mà bản thân quan tâm hơn cả. Chẳng hạn như các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời có thể đọc chương về định hướng nghề nghiệp và khám phá bản năng; các bạn đang yêu và chuẩn bị tiến tới hôn nhân có thể tham khảo lời khuyên qua chương “Một đời tình cảm”; còn các bậc phụ huynh hết lòng thương con và luôn cảm thấy không yên tâm về con em mình thì có thể nghiền ngẫm những lời nhắn nhủ của thầy qua “Lá thư cho những phụ huynh thương con”.
Cuốn sách khéo léo lồng ghép câu chuyện ngày xưa về chàng Từ Thức – chàng trai luôn mang trong mình ước mơ tìm kiếm thiên thai và cảnh lạ. Đến khi có được cuộc sống trường thọ ở chốn bồng lai tiên cảnh thì chàng lại khắc khoải nghĩ về chốn xưa. Cõi tiên chỉ toàn là hạnh phúc, chẳng có gian truân, nhưng thử hỏi nếu không có khổ đau thì làm sao trân quý hạnh phúc? Phải chăng chúng ta cũng như Từ Thức, cũng một đời làm kẻ tìm đường và chạy theo những giấc mơ xa vời đâu đó? Có khi nào ta dừng lại và vỡ lẽ rằng “Hạnh phúc ở đây” không?
Chúc các bạn có những giây phút chiêm nghiệm sâu lắng với tác phẩm “Một đời như kẻ tìm đường”! Hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy đâu đó trong cuốn sách này điều hữu ích để chuyến phiêu lưu trong đời bớt chông gai nhưng vẫn tràn đầy sắc màu thú vị.
Nguồn tài liệu:
- Facebook của tác giả Phan Văn Trường: https://www.facebook.com/truong.phanvan.56
- Bìa cuốn sách: https://phanvantruong.com/phanvantruong-com-mot-doi-nhu-ke-tim-duong/
- Ảnh bộ sách “Kết tinh một đời: https://www.netabooks.vn/bo-sach-ket-tinh-mot-doi-bo-3-cuon–tai-ban
Ngày 16/04/2022
Tác giả: Dương Lê Thiên An
Biên tập: Rita Nguyễn