
AI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRONG CUỘC CHIẾN NGA-UKRAINE?
Cuộc chiến Nga – Ukraine chính thức bùng nổ vào ngày 24/02/2022 khiến bao nạn nhân trực tiếp phải lao đao, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng và đảo lộn. Nhiều người yêu chuộng hòa bình ra sức chỉ trích Putin, không ít người “đánh mũi dùi” về NATO bao gồm Hoa Kỳ. Công tâm mà nói, điều đang diễn ra không phải là không lường trước được và, nếu sáng suốt hơn, đáng lý các bên đã có thể tạo nên một thỏa thuận tránh được cuộc khủng hoảng tang tóc như hiện nay.
Địa chính trị
Trong giới chuyên gia về lịch sử và chính trị, hai yếu tố “địa lý” và “chính trị” có mối quan hệ tương hỗ không thể chia cắt được. Theo ông Lê Hồng Hiệp, “địa-chính trị (tiếng Anh: Geo-politics) là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lý tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế. Cụ thể, địa chính trị xem xét việc các yếu tố như vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế”. Theo đó, không thể bỏ qua việc phân tích lĩnh vực địa chính trị khi nhìn vào gốc rễ của cuộc chiến tranh hiện tại giữa Nga và Ukraine.
Về mặt an ninh, một quốc gia có nhiều mối hiềm khích hoặc mức độ cạnh tranh lớn với “đối thủ” ngang tầm hoặc “nặng ký” hơn luôn muốn có một vị trí địa lý an toàn. Hoa Kỳ là nước có diện tích siêu rộng được bao quanh hai bờ đông và tây bởi đại dương, phía bắc tiếp giáp với láng giềng Canada rất ôn hòa, phía nam tiếp giáp với Mexico vốn là nước không mạnh về mặt quân sự. Một cách tương đối, Hoa Kỳ khá an toàn. Các nước châu Âu phát triển thì ở “sát vách” nhà nhau; tuy diện tích nhiều quốc gia có nhỏ với dân số ít nhưng họ mạnh vì tạo nên liên minh lớn bảo bọc an ninh khu vực. Đã vậy, Hoa Kỳ và nhiều nước trong khối châu Âu rất biết “nương tựa” vào nhau để trở thành các “anh lớn” trong biểu đồ trật tự thế giới.
Bản đồ thế giới thể hiện vị trí của Mỹ và đồng minh. Nguồn ảnh: reddit
Nga thì khác: lựa chọn việc “nương tựa” vào chính bản thân mình. Nga có thế mạnh đặc biệt để nhiều quốc gia phải kiêng dè: kho xuất khẩu dầu thô thuộc top 3 thế giới, kho vũ khí hạt nhân gần ngang bằng với Hoa Kỳ về số lượng, và là kho xuất khẩu 20% vũ khí đạn dược từ căn bản đến công nghệ cao cho nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Ấn Độ, các quốc gia độc lập vùng Trung Á – Đông Âu, nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, Đông Nam Á và kể cả cung ứng đầu đạn cho Hoa Kỳ. Chưa kể, Nga còn giữ một ghế thường trực trong Liên hợp quốc, góp tiếng nói quan trọng vào bất kỳ sự can thiệp quân sự nào trên thế giới. Đáng lưu ý, Nga sở hữu một lượng nhà khoa học và kỹ sư tài ba xuất chúng có khả năng tạo ra vũ khí hủy diệt hàng loạt. Do vậy, dù ở thời hậu Liên Xô, Nga hoàn toàn có thế mạnh kinh tế và quân sự độc lập để tìm chỗ đứng một mình như một quốc gia siêu cường.
Bản đồ thể hiện top 12 các quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới năm 2018. Nguồn ảnh: tonymappedit
Thêm vào đó, vốn là quốc gia trải dài 11 múi giờ từ Á đến Âu, Nga không hoàn toàn thuộc khối châu Âu lẫn các hội liên minh châu Á. Đồng thời, từng là “Vua” của đế chế Liên Xô, Nga chưa quên “mùi vị” của kẻ đứng đầu, Nga muốn xây dựng vị trí riêng: mạnh mẽ, độc lập, tự chủ và đáng sợ ngang hàng với liên minh Âu-Mỹ. Nói cách khác, các nước tìm đến Nga để dựa dẫm, Nga không chủ trương sánh vai với đồng minh nào; đặc biệt là Nga dưới thời Putin “cai trị” kể từ khi nắm quyền trong tay vào năm 2000. Ấy là ngoài mặt thể hiện như thế: lạnh lùng, quyết đoán và cũng… khó đoán!
Bản đồ 2016 thể hiện top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức) và top các quốc gia nhập khẩu vũ khí tại Trung Đông và Đông Nam Á. Nguồn ảnh: Russiabeyond
Quan hệ Nga – NATO và vai trò của Ukraine
Thật ra, từ sâu bên trong, Putin luôn biết đề phòng. Khi một con sư tử đơn côi làm chủ một cõi, nó tự hiểu bản thân có rất nhiều kẻ thù. Một trong số kẻ thù đầy tiềm năng, đó chính là NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). NATO ra đời vào năm 1949 bởi 10 quốc gia châu Âu và 2 quốc gia Bắc Mỹ với mục đích “cao cả” là hạn chế sự bành trướng của Liên Xô và khuyến khích hội nhập chính trị ở châu Âu. Đáng lý rằng, khi Liên Xô sụp đổ, NATO cũng nên giải tán vì sứ mệnh đã được “hoàn thành” vẻ vang. Nhưng không, NATO thay đổi sứ mệnh thành “đảm bảo quyền tự do và an ninh của các thành viên thông qua các phương tiện chính trị và quân sự” và kết nạp thêm thành viên đông đảo hơn.
Bản đồ và danh sách các quốc gia châu Âu gia nhập khối NATO. Nguồn ảnh: DW
Một trong các thành viên của NATO là Mỹ, từng là “kẻ đối đầu” không khoan nhượng với Nga trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thực tế cho thấy, Mỹ không phải là “tay chơi chính trị” đáng tin cậy. Mỹ tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh chỉ vì các vị tổng thống tìm cách giành phiếu ủng hộ cho chính mình nói riêng và đảng phái nói chung.
Sau sự kiện tòa Tháp Đôi bị tấn công ngày 11/9/2001, George W. Bush muốn thể hiện sự “mạnh mẽ” qua việc trả thù cho nỗi đau vô hạn của nhân dân Mỹ. Trong khoảng thời gian ngắn, Bush và cộng sự đã tạo nên chứng cứ giả mạo để khẳng định rằng nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq có liên quan sau vụ tấn công và phải trả giá cho điều đó. Tháng 03, 2003 Mỹ đã dẫn dắt đồng minh – một số thuộc NATO – tấn công Iraq một cách “trắng trợn” trong 1 tháng 1 tuần 4 ngày. Kết quả là Iraq tan hoang, người dân khóc hết nước mắt, ngơ ngác không hiểu được tại sao phương Tây tấn công mình.
Cậu bé trước cảnh tan hoang bởi bom đạn trong cuộc chiến tại Iraq của Mỹ và đồng minh năm 2013. Nguồn ảnh: Foreign Policy
Lần khác, Mỹ dưới thời Bill Clinton dẫn dắt đồng minh NATO dội bom xuống Serbia trong vòng 10 tuần vào năm 1999. Mục đích của cuộc tấn công này là nhằm ngăn chặn cuộc diệt chủng có thể gây ra do Serbia tiến hành chống lại người Hồi giáo gốc Albania ở Kosovo. Vấn đề là, cuộc chiến này đánh dấu lần đầu tiên NATO sử dụng vũ lực quân sự mà không có sự chấp thuận trước của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này khiến Nga giận giữ vì NATO không chấp hành nguyên tắc chung.
Bấy nhiêu cũng đủ thấy, lịch sử chứng minh rằng NATO từng chơi không đẹp và có lý do để nhiều quốc gia phải “dè chừng”. Ở giai đoạn này, người dân trong lòng nước Nga cảm thấy bất an vì sự mở rộng của NATO, cũng như chứng kiến sự hiếu chiến của tổ chức này. Đây cũng là gốc rễ của việc nhiều quốc gia không tin tưởng phương Tây để khai tử hay từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Dĩ nhiên, không phải bàn cãi, sự hiện hữu của NATO ở thời hậu Liên Xô rõ ràng là cái gai trong mắt của “sư tử đơn côi” Putin. NATO càng đóng quân gần đất mẹ bao nhiêu, Putin càng bất an mà mất ăn mất ngủ. Đó là chưa kể, khối châu Âu và chính quyền Hoa Kỳ chủ trương không thân với Putin (trừ Trump) vì Putin nổi tiếng về sự độc tài dưới bức bình phong của một xã hội dân chủ. Bản thân lo ngại chưa đủ, Putin muốn toàn dân phải san sẻ nỗi lo này bằng cách không ngừng tuyên truyền cho dân trong nước rằng các quốc gia đồng minh phương Tây luôn ở thế đe dọa và muốn tấn công Nga. Thật ra, lo xa không bao giờ thừa và ai ở vị trí của Putin đều có thể nghĩ như vậy!
Bức ảnh chụp ngày 28 tháng 7 năm 2014 này cho thấy một tấm biểu ngữ mô tả Adolf Hitler (bên trái), Joseph Stalin (ở giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin được trưng bày trong trại Maidan trên Quảng trường Độc lập ở Kiev. Putin được phương Tây nhìn nhận là nhà lãnh đạo khét tiếng độc tài và dễ bị tổn thương. Nguồn ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP via Getty Images
Vì lẽ ấy, về mặt địa chính trị, Putin chỉ cảm thấy an tâm nếu Nga có một “hành lang an ninh”, đặc biệt là ở bờ tây đất nước. Nghĩa là càng nhiều quốc gia láng giềng theo phe mình thì càng tốt. Như thế, Nga có được một lớp “áo giáp” bảo vệ trước khi bất cứ ai muốn tấn công mình. Ít nhất, hiện tại, Putin đã có “em út” là tổng thống Belarus như một con cờ trong tay nhưng chưa bao giờ đủ. Putin muốn “thuần phục” Ukraine.
Nước cờ của Ukraine
Ukraine là một quốc gia rộng lớn nằm bên sườn trái, văn hóa tương đồng với Nga. Đáng lý ra, nếu Ukraine trung thành với Nga thì tình hình trở nên lý tưởng, hoặc ít nhất là trung lập thì cũng tạm chấp nhận được. Trong quá khứ, Putin đã rất thỏa mãn khi tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovych, lên nắm chính quyền từ năm 2010 – 2014. Thay vì gắn kết chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu, Yanukovych đi ngược lại với mong đợi của đa số người dân vì theo đuổi gói cứu trợ tài chính của Nga và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Moscow.
Putin phấn khởi không được bao lâu thì người dân Ukraine nổi lên lật đổ Yanukovych vì “bán nước”. Sau đó, người dân tự bầu cử Tổng thống mới của riêng họ. Qua hai đời tổng thống Petro Poroshenko và Volodymyr Zelenskyy, Ukraine đã và đang đi đúng hướng như ước vọng “xa rời” Moscow của nhiều người dân. Điều đáng lưu ý, Zelenskyy được bầu cử làm lãnh đạo đất nước vốn xuất thân là diễn viên hài. Chính vì tư tưởng chống tham nhũng mạnh mẽ và được lòng dân, ông “một bước” thành chính trị gia và không thể tưởng tượng viễn cảnh trở thành anh hùng dẫn dắt đất nước trong thời chiến đầy chông gai như hiện tại.
Trước khi trở thành tổng thống Ukraine, Zelenskyy từng là nghệ sĩ đa năng. Nguồn ảnh: The Indian Express
Tiếc cho Putin, Zelenskyy không muốn trở thành “con tốt” trong tay Nga, không muốn “răm rắp” nghe theo lệnh của Putin, không muốn làm chiếc “áo giáp” bảo vệ Nga. Đã vậy, Zelenskyy còn muốn Ukraine (từng thuộc Liên Xô) gia nhập liên minh quân sự NATO (vốn tạo ra để chống Liên Xô). Điều này khác gì “tạt một gáo nước lạnh” vào mặt Putin. Putin không thể chấp nhận được! Ukraine không theo phe Nga đã khiến Putin “đau”, nhưng tưởng tượng nên viễn cảnh quân NATO đóng quân sát biên giới thì “nỗi đau” lên tới đỉnh điểm gấp trăm ngàn lần.
Sự trỗi dậy của gấu Nga
Rõ ràng, mang quân tới sát biên giới của Nga dù với lý do “bảo vệ an ninh các nước đồng minh NATO” thì qua con mắt Putin, đó chính là sự chống lại Nga, muốn “gây thù chuốc oán” với Nga. Như “giọt nước tràn ly”, như một con gấu ngủ đông bừng mắt dậy, Putin đưa ra yêu cầu: hoặc Ukraine không gia nhập NATO, hoặc Putin không tha thứ và tạo nên hậu quả khôn lường! Mỹ và đồng minh NATO không chấp nhận Ukraine gia nhập vì chưa đủ điều kiện, nhưng cũng “chơi chiêu” ậm ờ: bây giờ thì chưa nhưng tương lai có thể được. Sự kích thích ấy “vừa đủ và đầy” để Putin tung đòn.
Bước đi có tính toán của Putin ở giai đoạn đầu tiên vẫn là địa chính trị. Ukraine trải qua thăng trầm lịch sử phức tạp và mới chỉ chính thức trở thành nước độc lập vào năm 1991. Trong khi đa số người Ukraine rất tự hào về đất nước mình, có lòng tôn thờ chủ nghĩa dân tộc thuần túy và muốn đất nước đi theo con đường dân chủ như phương Tây, không phải ai cũng nghĩ vậy!
Bờ đông Ukraine có lượng dân số thân Nga rất đông, đặc biệt ở hai tỉnh Donetsk and Luhansk. Nơi đây, họ nói tiếng Nga, theo đạo Chính Thống Giáo Nga, tự xem mình là thế hệ nối dõi của dân tộc Nga, và muốn nơi đang sinh sống trực thuộc chính quyền Nga. Vì thế, họ thường nổi dậy biểu tình chống lại chính quyền Ukraine. Để xử lý với vấn đề này, nhiều nguồn tin cho rằng chính quyền Ukraine đã nghiêm khắc “xử phạt” họ bằng cách thường xuyên cắt điện, nước và ép buộc phải dùng ngôn ngữ Ukraine ở trường học. Điều này khiến cư dân miền đông này càng chống đối gay gắt hơn nữa và muốn ly khai khỏi Ukraine. Họ lên tiếng nhờ Putin can thiệp.
Bản đồ hai tỉnh Donetsk and Luhansk ở Ukraine có đa số người dân thân Nga. Nguồn ảnh: The Economist
Tận dụng điều này, Putin đã bắt đầu cuộc chiến bằng cách công nhận tính độc lập của hai tỉnh Donetsk, Luhansk rồi đem quân tới “cứu giúp”. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Putin chính thức dội bom sâu hơn nữa vào đất nước Ukraine và giờ đây mở rộng tham vọng đánh chiếm thủ đô Kyiv.
Nhiều người nghĩ rằng, Putin chỉ đánh Donetsk, Luhansk để dọa NATO và Ukraine. Từ đó, các bên sẽ suy xét thực hiện theo yêu cầu của Putin: không bao giờ chấp nhận Ukraine làm thành viên NATO. Đáng lý, ở giây phút này, NATO cần cân nhắc về hậu quả của việc “kích động” Putin là điều đáng quan ngại. Zelenskyy cần cân nhắc về vai trò của mình trong tình huống hết sức nhạy cảm về mặt địa chính trị giữa các bên để đưa ra quyết định trung lập thì tốt cho vận mệnh của quốc gia hơn. Putin cũng nên kiềm chế sự nóng giận với một cái đầu lạnh như mọi khi để suy xét các nước cờ chính trị, quân sự nhằm hạn chế sự nguy hại thấp nhất có thể. Thế nhưng, “ông nào” cũng xem là mình đúng và không ai khoan nhượng với ai. Kết quả là hoàn toàn nhìn thấy được…
Hậu quả của cuộc chiến không khoan nhượng
Một Putin “dám” gây ra chiến sự với Ukraine – đất nước chưa gia nhập nhưng được sự hậu thuẫn của NATO – là điều ít ai có thể nghĩ đến. Họ cho rằng Putin không có “đủ gan” để làm vậy! Thế nên, dù tin tức về mối mâu thuẫn giữa hai bên đang “căng tràn” như sắp nổ từ phương Tây dội về, người dân Ukraine vẫn “thủng tha thủng thỉnh” làm ăn và giải trí như không có chuyện gì sắp xảy ra. Đùng một phát, tiếng bom nổ vang rền, dân tình hoảng loạn: Trời ơi! Chiến tranh! Chiến tranh đến thật rồi!
Cảnh thành phố lớn của Ukraine sau bị dội bom. Nguồn ảnh: Fortune
Nhìn cảnh nhiều thành phố Ukraine tan hoang, công dân yêu nước một lòng xả thân vệ quốc, nhiều phụ nữ trẻ em chết vì bom đạn, hàng triệu người tìm đường tị nạn trong thời tiết buốt giá, không ai có thể cầm được nước mắt. Bên kia chiến sự, hàng chục ngàn công dân Nga bị đánh đập nhốt vào tù vì biểu tình chống chiến tranh, cuộc sống bao cư dân bị đảo lộn vì cảnh sát kiểm tra đêm ngày, nhiều người kiếm đường rời đất mẹ ra đi vì sợ hãi những gì Putin đang làm và lo lắng cho sự tụt hậu kinh tế, cả thế giới không khỏi xót xa!
Phụ nữ và trẻ em Ukraine được hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng chiến sự. Nguồn ảnh: The Mercury News
Hệ lụy của cuộc chiến còn gây ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu khiến hàng tỷ con người lâm vào khó khăn càng chồng chất sau hai năm vật lộn với siêu dịch bệnh COVID-19. Những đứa trẻ ở một số nước châu Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu từ Ukraine phải đối diện với việc thiếu thực phẩm giá phải chăng. Nguy cơ nhìn thấy được là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và tử vong tăng cao.
Đó là chưa kể, “căn bệnh” phân biệt chủng tộc trầm kha khiến những người da màu học tập, làm việc và du lịch ở Ukraine (như người gốc Phi) đang phải đối diện với khủng hoảng trong lúc tìm đường chạy khỏi vùng chiến sự. Chỉ vì không phải là người da trắng, họ không được cấp phép để sang các nước châu Âu láng giềng như Ba Lan để tị nạn. Họ còn bị “khuyên nhủ” ở lại Ukraine để cầm súng chiến đấu chống lại quân đội Nga. Thật quá đỗi nực cười!
Nhiều người da màu tại Ukraine (du lịch, lao động, hoặc là công dân bản xứ) bị phân biệt đối xử, không được phép di chuyển khỏi vùng chiến sự. Nguồn ảnh: Global Citizens
Ai phải chịu trách nhiệm trong cuộc chiến này?
Cuộc chiến Nga – Ukraine là cuộc chiến tốn thật nhiều “giấy mực” trên phương tiện truyền thông. Sự kiện này đặc biệt hơn rất nhiều so với những cuộc chiến đầy tính thương vong khác ở Trung Đông trong thời hiện đại, vì đây là sự “so kè cái Tôi” giữa những ông lớn: siêu liên minh NATO và siêu cường quốc Nga. Lỗi cuối cùng đáng trách nhất vẫn là từ Putin vì trực tiếp đưa ra quyết định gây thảm họa. Tuy nhiên, giá mà Ukraine cùng NATO “hiểu chuyện” từ ban đầu và tế nhị hơn trong cách xử lý mâu thuẫn thì cớ sự đã không như ngày hôm nay!
Dĩ nhiên, Putin đưa ra quyết định mà chưa tính toán hết được sự yêu nước của người dân Ukraine thật sự lớn lao dẫn đến sự phản kháng cứng rắn như vậy. Ông ta không tính toán được sự phản công bằng các đòn kinh tế từ phương Tây mạnh mẽ như thế! Và thê thảm thay, sự thiếu nhuệ khí của binh lính cộng thêm sự rệu rã của xe tăng thiết giáp vì thiếu chuẩn bị về mặt công nghệ lẫn xăng dầu, lương thực khiến quân đội Nga uể oải hơn mong đợi của Putin. Một cách tích cực, nhiều người tin rằng, “cơn ác mộng” này là dịp để người dân Nga nhận ra bộ mặt thật lạnh lùng và vô nhân tính của Putin, từ đó nổi dậy lật đổ chính quyền của ông ta.
Một người lính Nga bị bắt giữ, gọi điện về cho mẹ trong nước mắt: “Con bị gởi đến cõi tử thần!”. Nguồn ảnh: marca
Có nhận định cho rằng, có chắc là nếu không có sự “kích thích” của NATO, Putin sẽ để yên cho Ukraine? Đúng là, tình huống này có thể xảy ra, nhưng ở thì tương lai và ở một cách thức và mức độ khác. Theo đó, chắc chắn sẽ không phải là cuộc chiến tranh đẫm máu vì đánh “dằn mặt” nhau như hiện tại. Thực tế cho thấy, ngoài nhận định “nếu” mang tính dẫn dắt dư luận như trên, nếu không sáng suốt, chúng ta dễ dàng bị định hướng với “thiên la địa võng” các quan điểm thiên về cánh tả, hoặc hữu, hoặc đậm chất thuyết âm mưu liên quan đến cuộc chiến.
Giờ đây, cả thế giới nín thở theo dõi chiến trận qua từng ngày. Dù thắng dù thua, những cư dân yêu nước Ukraine chưa từng cầm súng và Zelenskyy – vị tổng thống từng là nghệ sĩ hài không có nhiều kinh nghiệm về mặt quân sự – đang giành giật từng tấc đất dưới làn bom đạn với binh lính Nga xứng đáng được trân trọng! Dù ai đó cho rằng Zelenskyy là “con rối dẹt” trong tay phương Tây đi chăng nữa, tận đáy lòng, họ hiểu rằng “con rối” ấy phải thật sự dũng cảm lắm khi lãnh đạo đất nước trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế!
Tóm lại, hành động sai tày trời của Putin là kết quả của việc xử lý không khéo léo, tế nhị của các bên. Ngoại giao không phải là chỉ để giữ thể diện, để cái Tôi được dịp bộc lộ, để so kè ai mạnh hơn ai giữa các vị đứng đầu đất nước, hoặc vì tham vọng chưa phù hợp. Ngoại giao khiến cho chiến tranh bùng nổ thì các ông lớn lãnh đạo của Nga, Ukraine, Mỹ và đồng minh NATO nợ nạn nhân của chiến tranh lời xin lỗi, cũng như phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho cuộc chiến vô nhân đạo này.
*Tham khảo thêm tại:
Địa chính trị (Geopolitics)
https://www.washingtonpost.com/politics/2022/03/08/biden-bans-russian-oil-imports/
https://www.rbth.com/science-and-tech/334617-which-countries-buy-weapons-from-russia
https://www.aljazeera.com/news/2022/1/12/infographic-nato-members-and-missions-interactive#:~:text=NATO%20comprises%2030%20nations.,members%20to%20discuss%20security%20concerns.https://www.nato.int/nato-welcome/index.html
https://fortune.com/2022/03/02/viktor-yanukovych-yanukovich-putin-put-back-in-power-ukraine-russia/
9/11 and Iraq: The making of a tragedy
Ngày 10/03/2022
Tác giả: Rita Nguyễn