Posted on: October 31, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

HỘI NGHỊ COP26 VÀ MONG ĐỢI

     Trong thời điểm này, những nhà hoạt động môi trường, những doanh nhân và dân lao động có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo vệ môi trường, và những cư dân yêu môi trường trên thế giới nói chung đang nóng lòng hướng về hội nghị COP26 và theo dõi từng phút giây.

    Theo thông tin trên trang chủ của sự kiện, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021, còn được gọi là COP26, là hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc.

    Sau khi bị trì hoãn vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19, và dù tiếp tục được chuyên gia y tế kêu gọi trì hoãn trong năm nay vì nguy cơ lây nhiễm cao, BTC vẫn quyết định tổ chức vì tính quan trọng của sự kiện ảnh hưởng đến sự “sống còn” của nhân loại toàn cầu. Không gì cấp thiết hơn sự kiện này vì “chậm một giây, đi cả một thế hệ”!

      Sự kiện đang được diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến 12/11 năm 2021, dưới sự đồng chủ trì của Vương quốc Anh và Ý. Hội nghị dành cho các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và là cuộc họp lần thứ ba của các bên tham gia Thỏa thuận Paris. 

     Trong khoảng 20,000 người tham gia sự kiện, ngoài các nguyên thủ và phái đoàn ngoại giao từ gần 200 quốc gia, còn có những nhà hoạt động môi trường “đình đám” và giới hoạt động trẻ từ nhiều nước châu Âu đi tàu hỏa đến Glasgow nhằm lắng nghe và đóng góp “tiếng lòng”. Đây là dịp để lãnh đạo mỗi quốc gia đưa ra cam kết về chính sách bảo vệ môi trường; cụ thể là việc tuyên bố sẽ cắt giảm khí thải nhà kính tính đến năm 2030 như thế nào để cứu hành tinh chung.

      Mục tiêu chung của hội nghị còn là đảm bảo mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu nằm trong mức cho phép: 1,5 độ C so với mức trước Cách mạng Công nghiệp. Đó là ngưỡng mà các nhà khoa học nói rằng khi vượt quá thì loài người phải đối diện với hậu quả vô cùng khủng khiếp và khốc liệt như các đợt nắng nóng chết người, thiếu nước, mất mùa và sụp đổ hệ sinh thái.

     Trước sự kiện quan trọng này diễn ra đã có nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt là từ thế hệ trẻ tuổi đang rất lo ngại cho tương lai của quả địa cầu và cho chính tương lai của mình. Chẳng hạn cuộc biểu tình tại phố tài chính của London để vận động chống lại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, với sự tham gia của nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Greta Thunberg vào ngày 29/10. Thông điệp của họ rất rõ là kêu gọi hệ thống tài chính toàn cầu (bao gồm hệ thống ngân hàng, bảo hiểm) ngừng đầu tư vào ngành sản xuất năng lượng đen.

      Điều đáng lưu ý, hai nguyên thủ của Nga và Trung Quốc đã không có mặt tại sự kiện COP26 (dù có đại diện tham gia). Với việc “góp công” gây nên hiệu ứng nhà kính khoảng 32% ở phạm vi toàn cầu, sự thiếu vắng của hai “ông lớn” có tiếng nói vô cùng quan trọng này thật sự tạo nên lo ngại. Về phía chính phủ Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng:

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN về lượng phát thải khí nhà kính. Đây là thực tế dù chúng ta không muốn. Thực tế này làm vị thế của Việt Nam tại Hội nghị trở nên quan trọng và sẽ nhận được quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, báo chính phủ khẳng định: “Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động trong ứng phó với BĐKH với các công trình thân thiện với môi trường”.

     Nhiều người đang rất ngóng trông kết quả thành công của hội nghị và hi vọng về tương lai tươi sáng. Cùng lúc đó, chuyên gia và nhiều người dân quan sát cho rằng, khi những “ông lớn” không tham gia sự kiện thì nỗ lực của các quốc gia còn lại thật khó đạt được mục tiêu chung toàn cầu. Đồng thời, việc chính phủ mỗi nước đưa ra cam kết “cho đẹp hình ảnh” là một phần, nhưng khi đối diện với thực tế, liệu có bao nhiêu nước mạnh mẽ dám chấp nhận đánh đổi sự phát triển kinh tế bằng các chính sách bảo vệ thiên nhiên? Rõ ràng, các quốc gia châu Âu đã giàu có và dân số ít ỏi thì dễ dàng đi đầu và mạnh miệng trong phong trào “sống xanh”, nhưng liệu có thực tế với các quốc gia đã nghèo mà dân số còn đông đúc?

    Đó là chưa kể, trên phạm vi toàn cầu, nếu vẫn còn khoảng 3% nhà khoa học trong ngành môi trường chống lại quan điểm cho rằng chính con người là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu thì số lượng người dân đồng quan điểm như vậy là bao nhiêu?

    Đáng buồn thay, theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, có đến 139 đại biểu Quốc hội ở Thượng viện và Hạ viện trong số 535 vị có chung suy nghĩ này. Không những cho rằng biến đối khí hậu là điều không tồn tại và con người không liên quan gì đến sự thay đổi của tự nhiên, bản thân họ còn nhận được hơn 61 triệu đô la từ các ngành công nghiệp than, dầu và khí đốt. Tiền khiến họ “mờ mắt” mà nghĩ bậy, hay nhờ nghĩ bậy mà kiếm được tiền thì chỉ có họ mới biết! Tuy nhiên, tổng thống Biden của Mỹ chắc chắn gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện cam kết sau hội nghị!

    Tóm lại, thỏa thuận cho ra được phương án phù hợp từ hàng ngàn đại diện trên thế giới đã là thử thách, biến những con số ấy thành hiện thực mới là “gian nan thử vàng”! Dẫu còn nhiều nghi ngờ bao quanh, chúng ta hãy cùng mong đợi số đông các quốc gia trên toàn cầu tạo được bước đột phá lần này! Và trong lúc chờ đợi, mỗi người dân chúng ta tiếp tục SỐNG XANH – SỐNG LÀNH MẠNH VÌ QUẢ ĐẤT THÂN YÊU, nhé! 

Nguồn dữ liệu cho bài viết: 

  • bbc.com
  • nytimes.com
  • americanprogress.org
  • baochinhphu.vn
  • ukcop26.org

                                                                                                                    Ngày 31/10/2021

                                                                                                                        Rita Nguyễn

                                                                                                            TIN CẬP NHẬT 

Đại diện phía Việt Nam, ông Phạm Minh Chính nói: “Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″.

Theo UN, 1.049 thành phố trên toàn cầu đã đưa ra cam kết giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và trở thành Net-Zero (mức phát thải ròng) vào năm 2050.

“Trong gần 30 năm tổ chức các cuộc họp của COP, COP26 là cuộc họp đầu tiên mà chính quyền cấp địa phương và thành phố đóng góp tiếng nói và dẫn dắt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể thể hiện cam kết của 1.049 thành phố đã có các hoạt động và đầu tư về chống biến đổi khí hậu ”, Claudia Lopez, Thị trưởng Bogota, Colombia, nói với UN News.

Kết quả thảo luận của Hội nghị COP26, theo dõi tại: https://ukcop26.org/the-conference/cop26-outcomes/