Posted on: October 17, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

Bảo tháp Boudhanath,
thế giới của lanh quanh
kiếp người

     Hè năm 2018, tôi có dịp ở Nepal gần 1 tháng. Mỗi ngày tôi đều đi vòng quanh, vòng quanh Boudhanath như một việc cần phải làm và rất thích điều ấy!

     Khu bảo tháp Boudhanath tọa lạc ở vùng ngoại ô phía đông của thủ đô Kathmandu, nơi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1979 bởi UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc. Khu bảo tháp thật to lớn hùng vĩ so với không gian bé nhỏ chật chội xung quanh và là nghệ thuật xếp đặt vô cùng thú vị giữa những hình vuông và hình tròn. Đây chính là ngôi bảo tháp tôn giáo lớn nhất Nepal và là công trình Phật giáo Tây Tạng linh thiêng nhất ngoài khu tự trị Tây Tạng. Phía sau lý do xây dựng Boudhanath là cả một kho truyền thuyết trong quá khứ, nhưng phần đông cho rằng bảo tháp được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 14.

                                                 Bảo tháp dưới ánh mặt trời. Nguồn ảnh: tác giả

    Khi Tây Tạng bị xâm chiếm bởi Trung Quốc, đặc biệt sau năm 1959, hàng ngàn người Tây Tạng đã di cư thành công đến các quốc gia khác nhau. Tại Nepal, đa số người Tây Tạng tập trung sinh sống quanh khu vực bảo tháp Boudhanath và tạo thành một cộng đồng mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Người dân quanh đây thường mặc trang phục truyền thống Tây Tạng, mở các cửa hàng lưu niệm với trang sức Tây Tạng cũng như tranh vẽ, pháp khí Phật Giáo Kim Cang Thừa – vốn là tông phái Phật giáo truyền thống tại Tây Tạng. Nhiều tu viện và chùa chiền mang đậm kiến trúc Tây Tạng được xây dựng quanh bảo tháp hoặc trong vòng bán kính 5 km. Hòa trong dòng người đông đúc là hình ảnh những tu sĩ Phật giáo với y phục đỏ đậm maroon tạo ra nét văn hóa vô cùng thú vị tại Nepal. Nếu thành phố Dharamsala tại bắc Ấn Độ là nơi cộng đồng người Tây Tạng di cư bảo tồn văn hóa dân tộc mình tốt nhất, thì kế đến phải là Kathmandu – Nepal. Vì thế, bảo tháp Boudhanath tại thung lũng Kathmandu trở thành thánh địa tôn giáo của những người có niềm tin Phật giáo nói riêng và du khách tham quan nói chung.

                                              Những chú tiểu trên đường về tu viện. Nguồn ảnh: tác giả

     Bảo tháp cao 38m và chu vi rộng 100m. Tổng thể kiến trúc bảo tháp là hình tượng của một mạn-đà-la khổng lồ rất phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng. Mạn-đà-la là biểu tượng của vũ trụ hoàn hảo dưới cái nhìn của một vị giác ngộ, nơi tất cả chúng sanh không còn mê đắm trong sanh tử luân hồi. Mạn-đà-la cũng là biểu tượng của cung điện dành riêng cho một hay nhiều vị giác ngộ như Phật, Bồ tát, hay các vị Thánh. Xung quanh công trình có bốn tháp nhỏ ở bốn hướng với hình tượng của bốn vị Phật Akshobhya, Ratnasambhava, Amitabha và Amoghasiddhi (hay còn gọi là A Súc Bệ Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, A Di Đà Như Lai và Bất Không Thành Tựu Như Lai). Ở giữa ngay trên đỉnh tháp chính là hình tượng Phật Vairocana (hay còn gọi là Tỳ Lô Giá Na Như Lai). Năm vị Phật được gọi chung là Ngũ Trí Như Lai và đều là biểu trưng của sự chuyển hóa tâm thức giác ngộ từ việc thiền định; cũng là tượng trưng cho sự tịnh hóa của ngũ độc trong tâm người như sân giận, kiêu ngạo, tham ái, đố kỵ và vô minh khiến chúng sanh ngụp lặn trong bể khổ trầm luân. Năm vị Phật này được đại diện bởi năm sắc là xanh dương, vàng, đỏ, xanh lục và trắng tượng trưng cho sự nhân cách hóa năm yếu tố bao gồm nước, đất, lửa, gió và không gian.

                                                Hình ảnh mạn-đà-la hay mandala. Nguồn ảnh: tác giả

     Bên cạnh đó, trong Phật giáo Tây Tạng, hình ảnh của Bồ Tát Quan Thế Âm rất phổ biến và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Phật tử. Thế nên, 108 hình tướng khác nhau của vị Bồ Tát này được chạm khắc quanh bảo tháp, kèm theo đó là câu thần chú Om Mani Padme Hum được khắc tỉ mỉ bằng chữ Tây Tạng trên hàng loạt chuông xoay cầu nguyện bao quanh tầng dưới của bảo tháp.

                                       Chuông xoay cầu nguyện quanh bảo tháp. Nguồn ảnh: tác giả

     Ấn tượng hơn cả là kiến trúc phần trên cao của khối cầu trắng nửa hình tròn thật to giữa trung tâm. Phần đầu của vị Phật Tỳ Lô Giá Na được thể hiện ở dạng khối trụ vuông màu vàng với 4 khuôn mặt quay về 4 hướng, dù ở vị trí nào thì khách tham quan vẫn có thể nhìn được nét mặt vô cùng đặc biệt. Đó là đôi mắt có hướng nhìn xuống, ánh nhìn sắc sảo và sống động như xuyên thấu vào tâm can của muôn người muôn vật bên dưới. Chẳng thế mà khách tham quan đứng từ lan can của một ngôi chùa đối diện bảo tháp cứ ngẩn ngơ nhìn lên đôi mắt như thôi miên. Giữa hai con mắt ấy là “con mắt thứ ba” tượng trưng cho trí tuệ của người giác ngộ. Thú vị là, thay vì cái mũi, người ta tạo nên một dấu chấm hỏi ở cùng vị trí. Dấu chấm hỏi này tượng trưng cho sự tìm cầu học đạo của người con Phật, và cũng là số 1 trong ngôn ngữ Nepal để chỉ sự hợp nhất của vạn vật trên thế gian. Trên khuôn mặt hình vuông là đỉnh hình kim tự tháp màu vàng vươn lên cao đại diện cho con đường tu tập của người hành đạo. Đỉnh cao nhất của bảo tháp là mái vòm, chóp nón và lọng được mạ vàng biểu tượng cho hoàng gia cao quý. Ngay phía dưới lọng là nơi cột các dây cờ với các lá cờ nhỏ nối tiếp nhau tỏa ra bốn góc khác nhau quanh chân tháp đầy sắc màu. Những lá cờ phần phật trong gió mang theo thần chú và lời cầu nguyện bay đến khắp nẻo không gian. Mỗi chi tiết của kiến trúc đều sáng bừng dưới dòng sông ánh nắng chảy tràn, và in hình rõ nét dưới bầu trời xanh.

    Đôi mắt của vị Phật trên cao trông sắc sảo và như thể nhìn thấu tâm can của muôn loài. Nguồn ảnh: tác giả

    Bên vệ đường lát gạch đỏ, du khách tỏ ra phấn khích khi thấy hàng trăm chú chim bồ câu nhỏ nhắn và năng động thoắt bay rồi thoắt đậu. Chúng sà xuống để nhặt những hạt thóc do khách thập phương mua và rải trên nền gạch. Được chốc lát, chúng đồng loạt cất cánh phành phạch bay lên cao đậu trên những mái nhà, trên đỉnh bảo tháp. Một lúc sau, chúng lại sà xuống. Cứ thế, những đôi cánh bồ câu bay lượn khiến bao người thích thú, đặc biệt là trẻ em. Chẳng phải bồ câu là biểu tượng của hòa bình đấy sao? Khi biểu tượng hòa bình hiện diện thật nhiều ngay công trình tôn giáo như bảo tháp Boudhanath này, ai nấy bỗng thấy thư thái lạ!

                                               Đàn bồ câu quanh bảo tháp. Nguồn ảnh: tác giả.

     Tôi hòa vào dòng người đi bộ vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ. Người đi bộ có thể là khách tham quan, là người bản địa, là nhiều người hành hương và cũng nhiều tu sĩ. Khách tham quan thì vừa đi vừa chụp hình theo nhóm, nói cười xôn xao. Người bản địa thì ăn mặc bình dân, vừa tận dụng thời gian đi bộ tập thể dục vừa tụng chú cầu nguyện. Người hành hương thì ăn mặc đẹp đẽ hơn và trông rất nghiêm túc với nét mặt đầy lòng thành kính. Tu sĩ thì đa số trong trang phục đỏ maroon của phái Kim Cang Thừa nhưng có vị mặc trang phục sắc lam hay vàng của phái Phật giáo khác. Có cả vài vị tu sĩ da trắng phương Tây cao nhồng hơn những người xung quanh một cái đầu, nổi bần bật với mái đầu được cạo trọc gọn ghẽ. Bên đường, dẫu tiệm bán đồ lưu niệm và băng đĩa Phật giáo mở loa vang vọng bài nhạc “Om Mani Padme Hum” cũng không lấn át được âm thanh rầm rì của những người đọc thần chú với xâu chuỗi trên tay liên tục di chuyển vòng quanh vòng quanh…

                              Dòng người đi vòng quanh bảo tháp, tấp nập từ sáng đến tối. Nguồn ảnh: tác giả

     Trong tiếng gió thổi lồng lộng, tôi còn nghe được cả tiếng động di chuyển của gỗ và kim loại khi người ta xoay hàng loạt những cái chuông dọc chân bảo tháp. Đặc biệt hơn cả, đó là âm thanh của hai miếng gỗ được cố định vào hai bàn tay chạm vào nhau, rồi chạm xuống nền đá lách cách của vài người thực hiện lễ lạy theo phong cách Kim Cang Thừa. Họ lạy bằng cách nhoài người toàn thân xuống đất và chạm trán xuống nền đá; bước lên một bước rồi lại lạy toàn thân như thế, “nhất bộ nhất bái” rất nhiều vòng xung quanh bảo tháp. Để đảm bảo an toàn, họ cố định thêm miếng đệm ở hai khuỷu chân và khuỷu tay. Vừa lạy, vừa tụng niệm, vài người nhiệt tâm chiêm bái này tập trung vào việc của mình như thể không quan tâm đến thế giới xung quanh. Một cô gái da trắng hồng trong trang phục kín đáo có vẻ đã lạy được vài vòng. Một cụ già với bộ đồ cũ kỹ rách rưới cùng vết thâm đen trên trán không ngừng tụng niệm bằng lòng thành vô cùng tận!

    Tôi cứ thế lặng im bước đi vòng quanh cùng dòng người được khoảng vài vòng. Những khách hành hương xung quanh nói với nhau rằng nơi này thật thoát trần, thoát tục và khiến lòng người thật bình an. Mỗi lần nhìn lên tháp, tôi cảm tưởng như ánh mắt đó xoáy vào tôi đăm đăm, như thể đang chờ đợi một câu trả lời nào đó mà tôi còn mắc nợ. Tôi chợt hỏi chính mình: tôi tồn tại trên thế gian này vì điều gì và bản chất sự sống của tôi là gì? Câu kinh “sắc tức thị không, không tức thị sắc” văng vẳng trong đầu…

                                                   Tác giả bên cạnh chuông xoay cầu nguyện tại Nepal. 

                                                                                                                                                 Ngày 17/10/2021

                                                                                                                                                      Rita Nguyễn