Posted on: October 8, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

DẠY CON LÀM GIÀU
(nhân dịp bàn chuyện
"TIỀN" và "HÒA BÌNH")

     Hôm nay (ngày 08/10/2021), tôi làm khách mời để dẫn dắt một buổi họp mặt nhằm bàn luận về chủ đề Hòa Bình cùng hơn 70 bạn tình nguyện viên đến từ mạng lưới Play for Peace Việt Nam. Lúc được hỏi là: “Khi nghe đến hai chữ ‘Hòa Bình’ thì trong đầu bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?”, tham dự viên đã tâm huyết chia sẻ về vấn đề xung đột bạo lực, áp bức phụ nữ, phân biệt chủng tộc màu da, cuộc tranh đấu đảm bảo quyền tiếp cận y tế và giáo dục cho người dân, v.v.. Điều ấy khiến tôi thật vui trong lòng vì cách tiếp cận đa dạng và nhân văn của các bạn thanh niên về giá trị Hòa Bình!

     Đồng thời, một bạn trẻ đã không ngần ngại nửa đùa nửa thật phát biểu rằng: “Tiền! Tiền chị ạ! Trong đầu em bây giờ chỉ nghĩ về tiền thôi!”. Tôi phải gật gù vì ý kiến của bạn ấy rất “thâm sâu vi diệu”. Vậy đâu là mối quan hệ giữa “tiền” và “hòa bình”? Thực tế cho thấy, không lúc nào loài người hiểu rõ điều này hơn là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra! Thiếu tiền thì thiếu nhiều thứ nhưng còn cầm cự được nhu cầu căn bản của việc sống còn. Còn khi tài chính kiệt quệ thì con người phải đối diện với việc đói ăn khát nước, dẫn đến ốm đau bệnh tật, đầu óc căng thẳng trăm bề. Cư dân nhiều nước vẫn truyền tai nhau là: “Chưa thấy chết vì dịch bệnh mà có khi chết vì đói rồi đấy!”. Còn đâu là Hòa Bình với cảm giác ấm no hạnh phúc và an toàn? Ở các quốc gia bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, sự kiệt quệ về tài chính khiến bạo lực âm ỉ trong lòng xã hội và chỉ chờ dịp để bùng lên như đuốc sống. Ấy vậy nên, với nhiều người, tư duy “có TIỀN là có HÒA BÌNH” quả rất hợp lý!

     Hòa Bình trên thế giới chỉ có thể đạt được khi loài người ở khắp các châu lục thành công với mô hình phát triển bền vững về mặt kinh tế (người dân làm ra đủ tiền để sống ấm no, chính phủ không nợ ngoài tầm kiểm soát, v.v), xã hội (bình đẳng về mọi mặt, bảo tồn thành công văn hóa truyền thống, v.v.), và môi trường (bảo vệ đa dạng sinh học, khai thác thiên nhiên hợp lý, v.v) cũng như an ninh quốc phòng tốt.

     Chúng ta không mong có thể góp phần xây dựng một thế giới “Hòa Bình hoàn hảo”, nhưng nếu không chung tay hành động thì mọi sự chỉ trở nên tệ hại hơn – chỉ có đường lùi xuống vực thẳm!

    Thế nên, thiết nghĩ, ngoài việc quan tâm đến vấn đề xã hội và vấn đề môi trường ngoài kia, mỗi chúng ta cũng cần học cách tạo nên nền tảng TÀI CHÍNH BỀN VỮNG cho bản thân. Bản thân vững chãi ít lo lắng khoản “cơm áo gạo tiền” và rủi ro tài chính thì mới mong hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn, đúng không nhỉ! 😉 

     Vừa lúc, cộng tác viên Thiên An gởi bài giới thiệu về bộ sách “Dạy con làm giàu” của tác giả Robert Kiyosaki. Quý vị và bạn nào chưa đọc thì xem qua phần cảm nhận sách của Thiên An để lấy cảm hứng nào! Chắc chắn là phải có cảm hứng mạnh mẽ lắm mới đọc hết bộ sách này, 13 cuốn không hề mỏng đâu nhé! 🙂 

                                      Cảm nhận bộ sách “Dạy con làm giàu” của tác giả Robert Kiyosaki.

    Theo bạn thì ngôi nhà bạn (sẽ) mua có phải là tài sản thuộc về bạn hay không? Có thể bạn sẽ trả lời rằng: “Ngôi nhà là do tôi mua bằng tiền của tôi và tôi đứng tên giấy tờ thì dĩ nhiên nó là tài sản của tôi rồi!”.

    Nếu tôi chia sẻ với bạn một định nghĩa của tác giả Robert Kiyosaki trong bộ sách “Dạy con làm giàu” rằng: “Tài sản là thứ bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản là thứ lấy tiền ra khỏi túi bạn” thì có thể bạn sẽ nghĩ lại đấy! Bạn bỏ tiền ra mua ngôi nhà để ở và hàng tháng tốn chi phí điện nước, các khoản bảo dưỡng hay thỉnh thoảng mua sắm nội thất mới v.v. thì có nên xem ngôi nhà là “tiêu sản” không nhỉ? Ngược lại, giả sử bạn mua trả góp căn nhà với chi phí 5 đồng mỗi tháng, nhưng bạn cho thuê mỗi tháng 8 đồng, tức là bạn “bỏ túi” 3 đồng, khi đó căn nhà bạn mua đúng nghĩa là tài sản rồi!

    Thế nhưng, Robert Kiyosaki không khuyên là “đừng mua tiêu sản, đừng mua nhà”. Ông chỉ đơn giản nói rằng: “Đừng gọi một tiêu sản là tài sản”, vậy thôi! Điều ông khuyên đơn thuần là hãy tích lũy tài sản để lo cho tương lai của mình.

    Bộ sách này khá dễ hiểu và mang tính thực tế cao vì đúc kết từ những kinh nghiệm của một nhà kinh doanh làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sau khi đọc xong thì tôi có thêm hứng thú, động lực và nền tảng để tìm hiểu về tài chính, đầu tư cùng những cách kiếm tiền khác nhau nhằm tăng nguồn thu nhập thụ động cho bản thân. Khi nào mà thu nhập thụ động hàng tháng (chẳng hạn như lợi tức từ cổ phiếu, bản quyền viết sách, tiền cho thuê nhà, v.v.) nhiều hơn chi phí hàng tháng thì xem như “độc lập tài chính”. Dựa trên quan điểm này, hiện tại tôi tự thấy mình chỉ mới “tự chủ tài chính” mà thôi! Tuy tôi có thể kiếm được tiền để đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình, nhưng tôi vẫn phải đích thân làm việc chứ chưa thể khiến tiền làm việc cho mình.

    Trước khi đạt tới mục tiêu đó thì đầu tiên chúng ta có thể cải thiện tư duy về đầu tư và tài chính cá nhân bằng trò chơi “Cashflow 101”. Đây cũng là trò chơi do Robert Kiyosaki phát minh và được đề cập rất nhiều trong bộ sách của ông. Luật chơi là tìm cách để thu nhập thụ động hàng tháng cao hơn chi phí hàng tháng. Đối với tôi thì trò chơi khá thú vị và không lần nào giống lần nào! Chơi trò này giúp tôi nâng cao kỹ năng tính toán và cách ra quyết định đầu tư tài chính. Thú vị hơn nữa, tôi cảm thấy đỡ căng thẳng vì nếu có tính toán sai mà mất tiền thì cũng không phải tiền thật :-).

    Quý vị và các bạn có thể tham gia trò chơi tại địa chỉ này (điều tuyệt vời là trò chơi hoàn toàn miễn phí): https://www.richdad.com/products/cashflow-classic

     Ngoài ra, thiếu nhi và thiếu niên cũng có thể chơi để học và thực hành kỹ năng về tài chính tại phiên bản hợp độ tuổi: http://richkidsmartkid.com/

    Robert Kiyosaki không chỉ là doanh nhân – nhà đầu tư năng động – mà ông còn là nhà giáo dục đầy tâm huyết. Thế nên ngoài kiến thức tài chính thì bộ sách 13 cuốn này cũng lồng ghép những góc nhìn đáng chú ý về giáo dục. Chẳng hạn như ví dụ sau đây mà tôi xin chia sẻ.

    Một cá nhân cần có 2 nghề: nghề cho mình và nghề cho tiền bạc của mình, đồng thời cần trang bị 3 loại hình giáo dục cho bản thân:

  • Giáo dục cơ bản: học đọc, viết và làm toán;
  • Giáo dục chuyên môn: học lấy kiến thức cần có cho một nghề nghiệp cụ thể để kiếm tiền;
  • Giáo dục về tài chính: học cách quản lý tài chính cá nhân, bảo vệ tiền kiếm được và tạo thêm tiền. Bạn có thể sở hữu một học bạ “đẹp lung linh” khi đi học, nhưng lúc đến ngân hàng vay vốn thì họ không yêu cầu điểm số đâu! Cái họ cần xem là báo cáo tài chính của bạn, vốn là “học bạ ngoài đời” của mỗi chúng ta. Hơn nữa, giữa việc tích lũy tài sản và tiêu sản, giữa việc xử lý tình huống khi có quá ít tiền và có quá nhiều tiền, bạn thích cái nào hơn nhỉ?!

     Bạn sẽ tự mình khám phá ra đáp án câu hỏi này và con đường đi đến tự do tài chính cho bản thân sau khi đọc bộ sách “Dạy con làm giàu” của tác giả Robert Kiyosaki nhé!

     *Nguồn ảnh tiêu đề: Zing News

     *Nguồn ảnh minh họa sách: sieubao

     *Nguồn ảnh minh họa khác: freepik

                                                                                       Tác giả: Dương Lê Thiên An (hoàn thành 05/10/2021)

                                                                                       Biên tập: Rita Nguyễn

                                                                                       Đăng bài: Ngày 08/10/202