Posted on: August 17, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

CHUYỆN BÀN TRÒN VỀ VIỆC MỸ RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN

      Năm 2001, Taliban bị lực lượng do Mỹ dẫn đầu tước bỏ quyền lực tại Afghanistan, nhưng mấy tháng gần đây phe này đã tiến hành các cuộc tấn công và nay đang giành lại quyền lực (theo BBC tiếng Việt). 

    Các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước ở Kabul hôm 15/08/2021. Nguồn ảnh: nbcnews.com.

      Trong vòng 20 năm, nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ hiện đã kết thúc ở Afghanistan và được truyền thông Mỹ đưa tin là cuộc chiến dài nhất lịch sử của nước này. Những người Mỹ bình thường có xu hướng quên mất sự tồn tại của cuộc chiến, và nó nhận được ít sự giám sát hơn từ Quốc hội so với Chiến tranh Việt Nam. Nhưng số người chết vì bom đạn lên tới hàng trăm nghìn! Và bởi vì Mỹ đã vay phần lớn ngân sách để chi trả cho cuộc chiến, các thế hệ người Mỹ sau này sẽ phải chịu gánh nặng trả cho hết nợ.

      Số liệu đáng suy ngẫm:

Cái giá phải trả là số người đã thiệt mạng, cụ thể:

  • Quân lính Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan đến tháng 4: 2.448.
  • Nhà thầu quân sự Mỹ: 3.846.
  • Quân đội và cảnh sát quốc gia Afghanistan: 66.000.
  • Các thành viên đồng minh, bao gồm từ các quốc gia thành viên NATO khác: 1.144.
  • Thường dân Afghanistan: 47.245.
  • Taliban và các chiến binh đối lập khác: 51.191.
  • Nhân viên cứu trợ: 444.
  • Nhà báo: 72.

Thành quả đáng tự hào:

  • Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 50 phần trăm kể từ khi Hoa Kỳ, Afghanistan và các lực lượng đồng minh khác lật đổ chính phủ Taliban, vốn đã tìm cách hạn chế phụ nữ và trẻ em gái ở nhà.
  • Tỷ lệ trẻ em gái Afghanistan có thể đọc ngày nay: 37%.

    Hàng trăm người Afghanistan đã xếp hàng lên một chiếc máy bay chở hàng quân sự của Mỹ hôm 15/08/2021. Các hành khách chen chúc nhau trên hành trình từ Kabul đến Qatar – một hành trình thường mất khoảng ba giờ. Nguồn ảnh: nbcnews.com.

Chi phí cho cuộc chiến này trong so sánh tương quan với cuộc chiến khác:

  • Người dân Mỹ dưới thời Tổng thống Harry Truman phải tạm thời trả đến 92% mức tăng thuế vì cuộc Chiến tranh Triều Tiên;
  • Người dân Mỹ dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson phải tạm thời trả đến 77% mức tăng thuế vì cuộc Chiến tranh Việt Nam;
  • Trong khi đó, Tổng thống George W. Bush đã cắt giảm thuế suất cho những người giàu nhất, thay vì tăng thuế, ngay từ đầu các cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq: ít nhất 8%.
    • Ước tính số tiền chi phí trực tiếp cho chiến tranh Afghanistan và Iraq mà Mỹ đã vay nợ tính đến năm 2020: 2 nghìn tỷ USD.
    • Chi phí lãi vay ước tính vào năm 2050: Lên đến 6,5 nghìn tỷ đô la.
    • Số tiền Bilmes ước tính Hoa Kỳ đã cam kết chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe, tàn tật, mai táng và các chi phí khác cho khoảng 4 triệu cựu chiến binh Afghanistan và Iraq: hơn 2 nghìn tỷ USD. Thời kỳ những chi phí đó sẽ đạt đỉnh: sau năm 2048.

(Nguồn tư liệu: apnews.com)

Tỷ lệ ủng hộ việc rút quân

  • Vào ngày 16 – 19 tháng 04/2021: 69% người Mỹ được phỏng vấn ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
  • Vào ngày 13 – 16 tháng 08/2021: 49% người Mỹ được phỏng vấn ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

(Nguồn số liệu: morningconsult.com)

      Một hội nghị bàn tròn được tưởng tượng dựa trên nhiều quan điểm của người dân Mỹ trên mạng xã hội.

  • Hội đấu tranh cho nhân quyền: Các vị có thấy điều khủng khiếp đã diễn ra không? Phụ nữ và trẻ em gái dưới quyền của Taliban sẽ bắt đầu một cuộc sống mới vô cùng tồi tệ. Không được học tập, không được làm việc và tự lập kiếm tiền ở ngoài xã hội nữa! Thậm chí còn bị chà đạp tàn nhẫn! Nhân quyền của phái nữ ở đất nước này đã được cải thiện bao năm qua, giờ tan thành khói mây! Không còn gì nữa cả! Nhân đạo ở đâu? Sự công bằng ở đâu? Quân đội Mỹ không nên rút quân khỏi Afghanistan!
    • Ai đó phản biện: Tại sao Mỹ phải mang trọng trách gởi quân đội và vũ khí để chiến đấu nhằm bảo vệ quyền phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo? Bao nhiêu nguồn lực cho đủ để bảo vệ quyền phụ nữ ở gần 50 nước có văn hóa Hồi giáo chủ đạo như Iraq, Tunisia, Malaysia, v.v. trải rộng từ châu Á đến châu Phi? Tại sao chỉ bảo vệ phụ nữ ở Afghanistan mà không phải ở nơi khác? Chẳng phải như thế là không công bằng ư?
    • Hội…: Nhưng mà, ABC…
  • Hội luôn ám ảnh khủng bố: Bọn Taliban rất cực đoan và nguy hiểm! Để chúng nó nắm quyền lực, chúng nó sẽ gây dựng đế chế dần lớn mạnh! Mấy người không nhớ vụ khủng bố ở Tòa Tháp Đôi ngày 11/09/2001 sao? Nếu chúng lại gởi người cảm tử ôm bom tấn công Mỹ và các quốc gia khác nữa thì sao? Quân đội Mỹ phải ở đó để trấn áp chúng, rút quân về là sai lầm!
    • Ai đó phản biện: Có chắc chắn là Taliban sẽ tấn công Mỹ không? Và ngoài Taliban, có biết bao nhiêu nước hoặc tổ chức độc lập “hiềm thù” với Mỹ không? Không lẽ cứ nước nào hay tổ chức nào “ghét” Mỹ thì Mỹ phải gởi quân tới để đánh trấn áp, đánh phủ đầu? Dễ dàng lắm sao việc mang quân đội với súng ống/bom đạn để tấn công Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo có phần tử cực đoan? Nên nhớ là, nguy cơ và rủi ro an ninh quốc gia thì lúc nào cũng có và chắc chắn sẽ được đánh giá bởi các đơn vị chuyên môn trong chính quyền và vai trò của họ là phải xử lý các vấn đề ấy. Không hẳn lúc nào vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia cũng thành công nhưng không có nghĩa là phải ngăn chặn bằng cách tham chiến ở khắp nơi. Chiến tranh nào cũng có chết chóc, đau thương – không phải trò đùa! Ngoài ra, mối quan hệ của hai quốc gia phù thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu ít nhất có một bên nhu thì vẫn còn cơ hội để xoay chuyển tình thế! Một khi cả hai bên đều cương và căng thẳng thì bạo lực khó tránh khỏi leo thang! Mà… các ông các bà biết bọn khủng bố ở đâu nguy hiểm nhất không? Chính là người dân trong lòng nước Mỹ đấy! Nên mở lại các đoạn phim về vụ Tòa nhà Quốc Hội bị tấn công vào ngày 06/01/2021 do chính người Mỹ (đa số theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, một ít là người da màu cuồng Trump) thực hiện để thấy thế nào là nguy hiểm của khủng bố nội địa!
    • Hội…: Biết vậy nhưng MNL…

                          Tòa Nhà Quốc Hội Mỹ bị tấn công ngày 06/01/2021. Nguồn ảnh: dailymail.co.uk

  • Hội doanh nghiệp chuyên sản xuất vũ khí: Nước Mỹ là nguồn cung ứng vũ khí hàng nhất thế giới! Có bán vũ khí số lượng lớn cho các cuộc chiến thì mới có nhiều tiền đóng thuế cho chính phủ, mới đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân tốt hơn! Giờ ngưng chiến tranh thì chúng tôi biết bán vũ khí cho ai nữa giờ? Doanh nghiệp lao dốc, nhân viên mất việc, nhiều quan chức nhận được ít tiền vận động hành lang hơn. Ai nấy đều buồn! Mỹ nên tiếp tục cuộc chiến mới đúng…! Chúng tôi tin là, sớm muộn gì Mỹ cũng tham gia cuộc chiến mới. Thế giới này có bao giờ ổn định đâu chứ! He he he…! Ái chà, đó là chưa kể đến tổn thất của mấy ông trùm doanh nghiệp tư nhân chuyên huấn luyện và cho thuê lính chiến đấy nhá!
    • Ai đó phản biện: … Tôi không biết nói gì, cạn lời với các ông!
    • Hội…: Đúng vậy! 
  • Hội yêu hòa bình, phản chiến: Chính quyền Mỹ nên thôi ngay việc “nhúng mũi” vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác đi! Bên ngoài thì nói là đem quân đi đánh “kẻ xấu gian tà” để hỗ trợ người dân ở Mỹ La Tinh hay các nước châu Á thoát khỏi ách thống trị của chính quyền cực đoan hay độc tài. Thực tế thì dùng cách dựng lên chính quyền bù nhìn để phục vụ cho ích lợi của chính quyền Mỹ mà thôi! Đó là chưa kể, can thiệp quá sâu vào việc điều hành đất nước người ta khiến họ phụ thuộc vào Mỹ. Vì thế mà họ mất đi sức mạnh tự chủ! Mỹ tham gia chiến tranh chống kẻ cực đoan để giúp đỡ người dân và chính quyền nước bạn độc lập hơn, mạnh mẽ hơn hay khiến người ta ỷ y mà mất luôn những gì họ đã từng có? Trong khi chi hàng nghìn tỷ cho các cuộc chiến tranh và tỏ ra quan tâm đến người dân của nước bạn, chính quyền Mỹ lại bỏ mặc biết bao người dân nước mình tử vong vì ốm đau mà không có tiền trả viện phí, trẻ em vùng xa xôi từ bỏ cơ hội đi học vì điều kiện giao thông không thuận lợi, tỷ lệ nghèo đói ngày càng gia tăng khiến dân tình phải đổ ra đường sống vô gia cư,… Dân tình trong nước oán than – thậm chí mất niềm tin ở chính quyền – thì đã lo xong chưa mà cứ cầm súng ống chạy lòng vòng quanh thế giới!?

                                    Một chỗ ăn ở của người Mỹ vô gia cư. Nguồn ảnh: guernicamag.com

    • Ai đó ngập ngừng rồi phản biện: Đúng là người làm việc tốt có nhiều động cơ khác nhau – bao gồm cả động cơ xấu (vấn đề là không phải ai cũng thể hiện động cơ ra ngoài), và không phải lúc nào kế hoạch cũng tạo nên kết quả như mong đợi! Nhưng người cần được giúp lúc nào cũng thấy quý hóa! Ít nhất Mỹ đã ra tay hành động và phụ nữ ở Afghanistan đã trải nghiệm ít nhiều mùi vị tự do quý giá và cuộc sống ở đó cũng bình ổn được nhiều năm! Điều đó cũng là thành quả đáng kể sau khi bỏ ra nhiều tiền bạc và mất mát hi sinh của bao người! Ngoài ra, việc Mỹ tham chiến ở đâu còn là bài toán của chính sách ngoại giao và chiến lược tầm vĩ mô có tính phức tạp, không chỉ đơn giản là sự phân chia đường ranh “trắng và đen”. 
    • Hội…: Tuy nhiên, XYZ

…….

      Vài cá nhân chỉ trích chính quyền Biden đã tính toán sai nước cờ và thiếu sự chuẩn bị, đưa ra thời điểm rút quân không đúng lúc gây ra hậu quả nặng nề cho người dân Afghanistan từng được Mỹ bảo trợ và bảo vệ. Người khác đồng ý với Biden rằng: với việc quân lính Afghanistan thiếu ý chí như thế, Mỹ rút quân cách đây 5 năm hay ngay bây giờ hay sau 5 năm nữa thì kết quả không có gì thay đổi.

     Hội nghị cứ thế diễn ra, dài thật dài, ngày này sang tháng nọ… Cho đến khi tóc họ điểm bạc, nước trong người khô cạn và chết héo ngay trên bàn tròn! Người ta biến tòa nhà thành cái Viện bảo tàng để người tham quan chứng kiến sự nghiêm trọng của Hội nghị bàn tròn. Từ đó, người tham quan lại tiếp tục bàn luận và tranh cãi về nội dung của Hội nghị… Mãi không có hồi kết, từ thế hệ này sang thế hệ khác!  

                                                                                 /…………./

     Riêng tôi, tôi đã đăng ký một vé để tham gia vào Hội phản chiến nhưng vẫn cho rằng Mỹ nên ra tay hỗ trợ quốc gia khác trong khả năng có thể. Tuy nhiên, tôi giữ quan điểm: nếu Mỹ thật sự muốn giúp đỡ người dân yếu thế trên thế giới đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia, chính quyền cần phải rút bài học sâu cay từ những cuộc chiến đã qua! Chiến lược “lún sâu” có vẻ chưa bao giờ thành công với Mỹ! Với bao trải nghiệm trong đời, tôi nhận ra: chỉ có người trong cuộc mới có thể tự giải quyết vấn đề họ gặp phải, mọi sự hỗ trợ giúp đỡ từ bên ngoài chỉ nên hữu hạn để tiếp ứng mà thôi! Đó là chưa kể, muốn làm việc lớn thành công, “chuyện trong nhà” phải êm ấm và “cơm lành cơm ngọt” trước đã (trong khi nội bộ Mỹ đang “xáo xào” hơn bao giờ hết!). Âu thì, đó cũng là nguyên tắc của sự phát triển bền vững!

     Nguồn ảnh bìa: thetimes.co.uk

                                                                                                                     Ngày 17/08/2021

                                                                                                                          Rita Nguyễn