
CHƯƠNG 7: TRỞ VỀ VÀ CHUYỂN HÓA
Sông Mekong dài khoảng 4.300 km, có nơi rộng đến 4 km. Sông chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và thậm chí tạo nên biên giới quốc gia Myanmar – Lào, Lào – Thái Lan. Dòng nước bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải, Trung Quốc và hơn nửa chiều dài con sông chảy qua các vùng miền tại nước này trước khi đổ xuống các quốc gia Đông Nam Á. Dòng nước băng qua hẻm núi, tạo thành thác nước hùng vĩ và dòng chảy xiết ở nhiều khu vực, được biết đến nhiều là đoạn sông tại Lào. Khi chảy xuống đến Campuchia và Việt Nam thì dòng sông đi qua miền đồng bằng châu thổ, hiền hòa đổ ra biển khơi.
Dòng sông chính là nguồn sống của hơn 66 triệu dân ở các lưu vực, bao gồm phần lớn dân số Lào và Campuchia, một phần ba dân số Thái Lan và gần một phần năm dân số Việt Nam. Hệ thống sinh thái của sông Mekong vốn được hình thành một cách tự nhiên và dồi dào. Đó là nhờ dòng nước chảy xuyên qua núi rừng xuống đồng bằng mang theo lượng phù sa màu mỡ.
Thế nhưng, giờ đây, hơn 150 con đập thủy điện đang vận hành và sẽ vận hành. Từ thượng nguồn đến hạ nguồn, từ quy mô siêu to đến quy mô vừa, từ việc chắn ngang dòng chảy chính của dòng sông Mekong cho đến chắn ngang các nhánh sông phụ. Nước chưa kịp chảy ra khỏi địa phận Trung Quốc thì đã bị giữ lại một khối lượng khổng lồ. Thêm vào đó, chính phủ Lào còn khởi xướng tham vọng muốn trở thành nguồn thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và sẵn sàng xuất khẩu điện cho các quốc gia xung quanh. Tham vọng này thậm chí được sự ủng hộ và đầu tư từ một số công ty tại các nước láng giềng.
[…] Tonle Sap là một phần trong hệ sinh thái đa dạng và quan trọng có vị trí ở trung tâm đất liền Campuchia. […] Cây – nước – phù sa – sinh vật – rau củ và cá tôm trở thành một hệ thống sinh thái nương tựa vào nhau để trở nên phong phú, dồi dào và đầy năng suất. Dù là thực vật hay động vật, chúng đều tự tiến hóa để thích ứng với môi trường sống tại Tonle Sap. Chúng biết quy luật trăng tròn trăng khuyết, chừng nào thì mùa mưa tới. Thậm chí các loài cá còn biết khi nào và ở đâu thì những kẻ thù gây nguy hiểm ít xuất hiện nhằm bắt đầu hành trình di cư. Bằng bản năng sinh tồn tự nhiên, các loài sinh vật quanh khu vực này đã tạo nên một hệ thống dồi dào với hơn 800 loài cá, chim, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư. Một đại gia đình thiên nhiên hoang dã đầy sắc màu đã tụ hội về sinh sống từ hàng ngàn năm qua. Voi và cá heo nước ngọt đã từng một thời thịnh vượng dưới thời Vương triều Angkor. Thế mà, lúc này đây, số lượng cá heo đã giảm sút nghiêm trọng. Mùa nước nổi đã không còn theo quy luật ổn định như xưa. Lượng đánh bắt thủy sản của người dân cũng chòng chành theo con nước.
(Trích đoạn chương 7, thông tin dựa theo tác phẩm Last Days of the Mighty Mekong – tác giả Brian Eyler.)
Ni Lô diễn tả trải nghiệm đáng nhớ khi đồng hành cùng một ngư ông trên con thuyền mộc đánh bắt cá ở giữa rừng ngập nước tại Tonle Sap. Vậy mà, cảnh tượng nên thơ với trời trong mây trắng cùng cây cối xanh um tùm hòa trong nét đẹp hoang dã của cá chim và nhiều loại động vật khác đang phải đối diện với nguy cơ biến mất!
Một nhóm cán bộ từ các quốc gia hưởng lợi từ sông Mekong đã cùng đến Tonle Sap để nghiên cứu về vấn đề sinh kế của người dân trong lúc dòng Mekong ngày càng “héo hắt”. Đồng thời, họ cũng nâng cao ý thức cho người dân về phương cách bảo tồn dòng nước Mekong từ chính năng lực của cộng đồng quanh lưu vực sông.
Ni Lô đã có dịp lắng nghe tâm tư lo lắng của những người dân Campuchia miền sông nước chân chất, thật thà về tương lai của dòng sông Mekong nói chung và hồ Tonle Sap nói riêng. Dẫu tương lai phía trước đang khá mịt mù nhưng họ vẫn cố gắng ấp ủ trong tâm niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn!
Ni Lô theo chân một cán bộ Việt Nam trở lại đất nước mà mảnh ni lông bé nhỏ ấy được sản xuất ra. Dòng nước ấm áp, hào sảng của miền đồng bằng sông Cửu Long ôm ấp Ni Lô vào lòng như một đứa con đi xa trở về. Trong lúc bồng bềnh trên mặt nước, Ni Lô đã được “túm gọn” và đi qua một quy trình kỹ thuật gồm nhiều loại máy móc. Từ đó, Ni Lô cùng đồng loại rác thải nhựa đã được tái chế thành khối vật liệu xây dựng nhiều hình dáng và màu sắc. Vật liệu này dùng để xây tường cho những căn nhà được thiết kế chắc, bền và nhẹ – có thể nổi trên phao khi mùa lũ lụt kéo về hằng năm.
Mời Quý vị và các bạn cùng lắng nghe trích đoạn của chương 7 dưới đây nhé!