
TÔI, BẢO LỘC VÀ SƯ ÔNG THÍCH NHẤT HẠNH
***Bài viết phiên bản tiếng Anh được chọn đăng trong tạp chí The Mindfulness Bell số 89, chủ đề Tưởng niệm thầy Thích Nhất Hạnh. Đường link tạp chí điện tử: https://www.parallax.org/mindfulnessbell/article/the-pine-forest-in-bat-nha-monastery-misses-thay/
Sư ông chính thức từ bỏ tấm thân giả tạm vào 01:30 sáng ngày 22/01, năm 2022. Kể cả khoảnh khắc giã từ ấy cũng trở nên thiêng liêng – ngay giây phút kết thúc ngày cũ và mở đầu cho một ngày mới nhiều niềm tin và hi vọng! Tấm thân Người đã trọn vẹn đi qua cuộc đời sinh – lão – bệnh – tử; tấm thân từ đất – nước – gió – lửa rồi sẽ theo cát bụi mà tan biến. Tuy vậy, hình ảnh Sư ông – người tu sĩ Phật giáo, nhà nghiên cứu triết học, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình từ đất Việt – sẽ sống mãi trong lòng nhân loại. Khi nào người yêu thương Sư ông an yên và tĩnh lặng thì khi ấy họ sẽ thấy Sư ông trong tâm trí, trong từng giọt sương đọng trên lá, trên đám mây lửng lơ trên bầu trời, … ở ngay bây giờ và ở ngay nơi đây! Với tôi, Sư ông Thích Nhất Hạnh chắc chắn sẽ sống mãi cùng nhân thế!
Chân dung Thầy Thích Nhất Hạnh (nguồn ảnh: Vườn hoa Phật giáo)
Thời niên thiếu, bạn bè cùng lứa thấy lối sống của tôi khác người. Tôi không muốn mình xinh tươi đẹp đẽ để thu hút người khác phái, tôi “kỳ thị” đám con trai xung quanh, tôi thường sống nội tâm trong lặng lẽ để nghĩ suy về nỗi khổ của cuộc đời. Ấy là vì, ở độ tuổi 12, tôi đã có một ước nguyện lạ lùng: được xuất gia nơi cửa Phật! Một trong những người ảnh hưởng lớn đến tôi thưở niên thiếu chính là Sư ông.
Lúc đó, tôi đã đọc vài cuốn sách mang tính triết học Phật giáo “nặng đô” khi đầu óc còn non nớt ngây thơ. Chẳng qua vì đam mê tìm hiểu là chính, chứ hiểu cho rõ chữ nghĩa thì gần như không có. Vì vậy, cuốn bút ký Nẻo Về Của Ý mà Sư ông viết mang lại cảm giác “thở phào nhẹ nhõm” vì lối kể chuyện rất dễ theo dõi và nhiều tự sự của một người con Phật. Ở đó, ký ức thời trẻ của Sư ông ở B’lao – Bảo Lộc với Phương Bối Am trở nên thật đặc biệt với bản thân tôi. Tôi vốn sinh ra trên rừng núi cao nguyên và lớn lên trên đất Bảo Lộc, nên tôi cảm được khung cảnh thiên nhiên với núi đồi hoa lá, chim kêu suối chảy một cách sống động qua lối diễn tả mộc mạc của Sư ông hơn bao giờ hết. Dù chưa gặp Sư ông trước mặt bao giờ, tôi luôn thấy sự gắn kết vô hình với Sư ông – một cảm giác gần gũi khó tả nên lời!
Một trong những cuốn sách “Nẻo Về Của Ý” được tái bản (nguồn ảnh: ntquangg.wordpress.com)
Thế rồi, như định mệnh, chẳng bao lâu sau, tôi trở thành một trong những thanh thiếu niên đầu tiên trong khu vực tham gia khóa tu do Làng Mai tổ chức tại tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Đám thiếu niên “choi choi” vốn thích cười đùa ồn ào loi nhoi, nay phải ăn trong im lặng, bước trong tỉnh thức thì không quen. Tôi còn nhớ rõ nhóm con trai vừa ăn vừa hích cù chỏ nhẹ vào nhau, bụm miệng nín cười liên tục. Với tôi, chúng thật phiền hà!
Khóa tu thật sự tác động sâu sắc đến tâm lý của đứa trẻ từng sống nội tâm như tôi lúc ấy! Tôi được thoải mái sống im lặng cùng những người xung quanh, ăn cùng tập thể được quây tròn dưới gốc cây thông mát mẻ trong tĩnh lặng, được tập những bài hát thiền nhẹ nhàng đầy chất thơ. Tôi đặc biệt ấn tượng với giọng hát trẻ trung, “nhẹ như thở” của Sư bà Chân Không vào giờ thiền nghỉ trưa. Sư bà cất lên tiếng hát chừng vài ba phút là đã nghe thấy tiếng ngáy ngủ của ai đó bên cạnh. Sau này, khi làm việc trong Hội trại trị liệu tâm lý cho trẻ nhiễm HIV hay nhiều chương trình phát triển cộng đồng khác, tôi đã rất nhiều lần hướng dẫn lời và điệu minh họa của bài hát “Thở Vào Thở Ra” mà tôi thích nhất ở khóa tu:
Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang.
Quang cảnh tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng từ trên cao (nguồn ảnh: baolamdong.vn)
Thời điểm cuối cấp 3, ngay đỉnh điểm căng thẳng của những ngày cuối ôn thi tốt nghiệp và đại học, tôi đã xin nghỉ học một hôm nhằm thực hiện nghĩa vụ xã hội một cách tự nguyện trong sự kiện Phật giáo rất lớn tại địa phương. Đó là hỗ trợ đội cảnh sát giao thông đứng chắn ngang đường để ngăn chặn xe đi vào đường trung tâm. Con đường ấy được dùng riêng cho Sư ông và phái đoàn tu sĩ Làng Mai đi bộ khất thực ngang qua. Hàng trăm vị trong màu áo nâu sồng, tay đeo nón lá theo hai hàng thẳng tắp chậm rãi từng bước đi sát mép đường. Phật tử thì hoan hỉ chuẩn bị lương thực chay tịnh để cúng dường vào những chiếc bình bát của những vị tu sĩ. Một vài sư chú và sư chị còn mỉm cười dúi vào tay tôi cái bánh bò, quả cam khi thấy nhóm tình nguyện chúng tôi lấm tấm mồ hôi, mặt đỏ gay dưới nắng như thiêu đốt. Tôi cứ ngẩn ra nhìn các vị: sao mà đẹp và tươi quá! Các sư chị không cần có tóc, không cần trang điểm nhưng gương mặt thanh thoát và nét an nhiên toát ra sáng rỡ từ bên trong. Tôi chiêm nghiệm ra rằng “Tâm sanh Tướng” là thực có! Từ đó hình ảnh các sư chị trở thành động lực để tôi hướng tới: sống ở đời, phải đẹp từ bên trong đẹp ra.
Tăng đoàn Làng Mai khất thực tại Bảo Lộc (nguồn ảnh: langmai.org)
Ai nấy chạy xe trên cung đường này đều dừng lại tò mò nhìn theo. Có người phấn khích chỉ trỏ: “Ê! Có cả thầy chùa nước ngoài nữa kìa!”. Việc nhìn thấy những tu sĩ gốc Âu Mỹ “trắng toát” và cao lêu khêu có mặt trong giáo đoàn khiến bao người “mắt tròn mắt dẹt” ngỡ ngàng! Sau này, khi nghe sách đọc Vườn Xưa Mây Trắng của Sư ông, những đoạn miêu tả về Đức Phật và đệ tử đi bộ vào làng xóm khất thực, tôi lại nhớ về cảnh khất thực của tăng đoàn Làng Mai tại Bảo Lộc. Dung dị nhưng hoành tráng. Giản đơn mà đẹp hết lời.
Đa số các khóa tu thiền do Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc đều do các Sư chị, Sư chú thực hiện. Bản thân Sư ông trực tiếp về để có bài thuyết giảng rất hiếm hoi, nhưng lần nào Sư ông xuất hiện thì cộng đồng Phật tử trong nước đều rất rầm rộ với nhiều sự kiện và lễ nghi trên toàn quốc. Một lần, tôi may mắn được ngồi cùng hàng ngàn Phật tử để nghe Sư ông nói chuyện tại tu viện Bát Nhã. Tôi quan sát Sư ông chằm chằm và thấy Người rất khác, khác nhiều so với nhiều tu sĩ mà tôi biết tại địa phương. Sư ông chậm rãi, nhẹ nhàng, cười khoan thai và trông rất đỗi thanh thản. Có thể vì vấn đề kỹ thuật từ chiếc micro nên âm lượng của Người rất nhỏ. Tiếc là lúc đó, trong tâm trí của một đứa trẻ tuổi 17 còn nhiều suy nghĩ phân tán, tôi đã không tập trung để nghe và hiểu lời dạy của Sư ông sâu sắc hơn. Tôi còn không nhận ra việc được ngồi nghe Sư ông nói chuyện là quý giá đến dường nào!
Những khóa tu thiền được Bát Nhã tổ chức ngày càng thành công và thu hút đông đảo Phật tử và kể cả người ngoại đạo từ khắp nước Việt Nam đổ về, đặc biệt là người trẻ, lên đến hàng ngàn người mỗi khóa. Những câu chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Nhiều bạn trẻ tham gia khóa tu xong thì không muốn về nhà nữa, muốn ở lại xuất gia theo phái Làng Mai khiến cha mẹ phải đón xe đò đến tu viện để năn nỉ con mình về. Tôi từng nghe một bạn hàng xóm thưở ấu thơ đã trở thành tu sĩ Làng Mai, không biết giờ này người ấy đang ở chốn nào và ra sao. Một người bạn khác đã thực tập tu trong ấy nhiều tháng. Bản thân tôi cũng từng được truyền cảm hứng vô cùng lớn từ khóa tu của Làng Mai, từ Sư ông mà muốn xuất gia. Ấy thế nhưng, duyên không thành!
Lễ xuất gia cho khoảng 100 Phật tử theo pháp môn của Làng Mai (nguồn ảnh: langmai.org)
Vài năm sau đó, mỗi lần từ Sài Gòn về thăm nhà ở Bảo Lộc, tôi lại ghé đến Bát Nhã. Thỉnh thoảng tôi còn có dịp ngồi thiền trà và trò chuyện với vài Sư chị. Sư chị kể về trải nghiệm bản thân từ một cô gái bị thất tình chất chứa nhiều khổ đau đã chuyển hóa tâm thức tích cực như thế nào sau một năm “tắm gội” trong vị thiền tỉnh thức của Sư ông. Tôi còn nhớ như in lời Sư chị chia sẻ dưới cây thông rằng: “Em biết không? Mình còn trẻ, nội tâm mình giống như một cây thông non chưa cứng cáp. Nội tâm mình dễ bị gió thổi khiến gãy cành, bật gốc. Thế nên, sống ở đây, việc không được phép dùng điện thoại hay máy tính để giải trí, không sở hữu vật chất gì và dành thời gian thực tập chánh niệm mỗi ngày thật sự cần thiết! Giáo pháp quay về với tự thân sẽ huấn luyện cho mình mạnh mẽ hơn. Một ngày, khi cây thông trưởng thành, cứng cáp và vững chãi hơn nhiều thì sẽ sẵn sàng đối diện với giông tố cuộc đời ngoài kia vốn nhiều phiền muộn và cám dỗ!”.
Rừng thông tại tu viện Bát Nhã (nguồn ảnh: buisach.wordpress)
Sau này, vì thời cuộc, tu sĩ Làng Mai rời khỏi tu viện Bát Nhã khiến bao người nuối tiếc. Ước mong về một Phương Bối Am thời hiện đại trên đất Bảo Lộc của Sư ông lại dở dang. Nhưng may thay, những thiền sinh năm ấy như những hạt giống lành đã lan truyền lối sống và cách tu tập của Sư ông đến mọi miền đất nước. Nhiều cộng đồng Phật tử theo phái tu Chánh Niệm của Sư ông đã được lập nên và không cần tu sĩ hướng dẫn trực tiếp. Tôi đã từng dự một buổi tu học như thế tại Sài Gòn. Một nhóm nhỏ độ 10 người tụ họp vào sáng chủ nhật. Họ ngồi im tĩnh lặng tu thiền khá lâu, rồi thiền trà bao gồm ăn nhẹ, uống trà, chia sẻ nội tâm, cùng nhau hát những bài thiền ca của Làng Mai. Bữa ăn trưa của họ cũng diễn ra theo đúng mô hình như khóa tu trên Bát Nhã: ăn theo phong cách buffet – ai ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu đủ dùng, rồi quây quần thành vòng tròn, im lặng ăn, im lặng thở; rồi ai ăn xong thì tự rửa chén đũa của mình.
Mãi bận rộn cho công tác phát triển cộng đồng, tôi không thể tham gia cùng họ nhưng lòng dạ ngời ngời một niềm an vui khó tưởng. Nhìn vào những vị Phật tử ấy, tôi thấy những gốc thông trên Bát Nhã, nụ cười hiền hòa của thiền sinh, của Sư ông, của đất Bảo Lộc thân yêu. Tôi thấy cả khoảnh khắc tiếng chuông ngân vang lên, tất cả thiền sinh trong tu viện đều phải ngưng lại hoạt động đang làm ngay lập tức. Chỉ im lặng và thở thôi! Tiếng chuông nhắc nhở cho thân tâm trở thành một ấy tuy đơn giản mà hiệu quả không ngờ!
Một lần, sau khi đọc bài viết chứa nhiều tâm tư về Sư ông và Làng Mai trên một trang web vào năm ba đại học, tôi mạnh dạn viết thư cho tác giả rồi mới hay bác ấy là một học giả nghiên cứu sử học Huế – Nguyễn Đắc Xuân. Hai bác cháu đã trao đổi thư từ qua lại nhằm chia sẻ nỗi niềm chung. Có dịp bác ấy vào Sài Gòn, tôi đã gặp bác ấy tại trụ sở Hội Nhà văn TP HCM (81 Trần Quốc Thảo). Dù cuộc sống bận rộn cuốn tôi đi xa, không còn liên lạc với bác Xuân nhiều năm qua nhưng mỗi lần nghĩ về Sư ông thì tôi lại nghĩ đến bác như người ông đáng kính của mình.
Cuốn sách về thầy Nhất Hạnh của nhà văn, nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân (nguồn ảnh: Sách Khai tâm)
Vài năm trước, ở Mỹ, khi tham gia lớp học Phật giáo căn bản do chồng tôi giảng dạy, tôi đã chọn thuyết trình cuối kỳ về Sư ông Thích Nhất Hạnh. Đứng trước lớp, nhìn xuống sinh viên Mỹ gốc Âu được lớn lên và thấm đẫm trong văn hóa Thiên Chúa Giáo nơi tôi sinh sống, tôi cảm thấy rất đỗi bồi hồi khi kể về thân thế, lịch sử của người tu sĩ gốc Việt bé nhỏ mà tầm vóc cực kỳ to lớn.
Trong những cuốn sách học thuật được sử dụng rộng rãi ở trường Đại học cho các khóa học Phật giáo ở Âu Mỹ, giữa lượng thông tin đồ sộ về nền Phật giáo lớn mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng thì Việt Nam thường được đề cập một cách sơ lược. Dẫu vậy, Sư ông luôn được các học giả nhắc tới ở mục Phật giáo Việt Nam dù Người đã rời xa quê hương nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, trong cuốn “Giới thiệu về Đạo Phật: Lời Dạy, Lịch Sử và Thực Tập” (tên gốc: An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices) có đoạn: “Có lẽ người Phật tử Việt Nam được biết đến nhiều nhất là Thích Nhất Hạnh, người đã thành lập Trường Thanh niên Phụng sự vào những năm 1960, nơi đã nhiệt tâm giúp đỡ rất nhiều nạn nhân của chiến tranh. Ông tạo nên thuật ngữ ‘Phật giáo dấn thân’, và năm 1966 thì sáng lập ra dòng Tiếp Hiện. Sống xa quê hương Việt Nam từ năm 1973, ông hiện đang sống ở Pháp và dành nhiều tâm huyết để phát triển phương pháp thiền Chánh Niệm một cách rộng rãi. Thiền Chánh Niệm nhắc nhở người thực tập rằng hành động của mỗi người đều ảnh hưởng đến thế giới chung vốn được tạo nên từ sự tương tức, và vì thế hành động mang tính hòa bình và tạo nên sự bền vững sinh thái là thật sự cần thiết.” (Peter Harvey, 2013, trang 412).
(Nguyên văn tiếng Anh:
Probably the most well-known Vietnamese Buddhist is Thich Nhat Hanh, who formed the School of Youth for Social Services in the 1960s, which was active in helping those affected by the war. He coined the term ‘socially engaged Buddhism,’ and in 1966 formed the Tiep Hien, or Order of Interbeing. Mainly exiled from Vietnam since 1973, he has been resident in France, and emphasized developing mindfullness of the many ways in which our actions impact on the inter-connected world, and the need to act in peaceful and ecologically sound ways.)
Hiện nay, hai ngành công nghiệp tỷ đô là trị liệu tâm lý và thúc đẩy lối sống lành mạnh (tiếng Anh: healthy living) đã lan tỏa phương pháp thiền Phật giáo nói chung và đặc biệt là phái thiền Chánh Niệm của Sư ông rộng rãi trên toàn thế giới, nhất là tại Âu Mỹ. Người đã có công rất lớn trong việc quảng bá thiền Chánh Niệm trong y khoa chính là giáo sư Jon Kabat-Zinn và nhiều cộng sự khác của ông. Jon Kabat-Zinn đã theo học thiền Phật giáo từ nhiều vị thầy, trong đó có Sư ông. Sau này, ông nổi tiếng vì đã thành lập chương trình Giảm Căng Thẳng dựa vào Chánh Niệm (tiếng Anh: mindfulness-based stress reduction – MBSR). Chương trình được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm y tế, bệnh viện và các tổ chức về sức khỏe tại Mỹ. Sự an lạc do thực tập Chánh niệm mang lại rõ ràng là liều thuốc tâm lý cho bao người trong xã hội hiện đại, không phân biệt chủng tộc màu da.
Chân dung giáo sư Jon Kabat-Zinn, người lan tỏa thiền Chánh Niệm vào lĩnh vực y khoa (nguồn ảnh: Lion’s Roar)
Tu sĩ Làng Mai tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Mexico (nguồn ảnh: wkup.org)
Mặt khác, tôi cũng học được rằng, việc Làng Mai “mở toang cửa” để chào đón thiền sinh từ nhiều nền văn hóa với niềm tin tôn giáo khác nhau tạo nên sự tranh luận chưa có hồi kết. Đa số Phật tử đồng ý rằng ấy chính là “phương tiện thiện xảo” (tiếng Anh: skillful means, tiếng Sankrit: Upāyakauśalya) – một đặc tính quan trọng trong Phật giáo Đại thừa – để thu hút nhiều người ngoại đạo biết đến Phật giáo. Từ đó, họ có thể tìm hiểu về triết học Phật giáo sâu hơn, họ được chinh phục và tự nguyện trở thành Phật tử.
Tuy nhiên, một bên cho rằng thiền sinh ngoại đạo có thể chứng ngộ Niết bàn khi thực tập Chánh niệm như một người Phật tử. Ấy là vì, dựa theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, mỗi người đều có “Phật tính” (tiếng Anh: Buddha-nature, tiếng Sankrit: buddhadhātu) – nghĩa là ai cũng có thể thành Phật. Đồng thời, thuyết “Tính Không” vốn không phân biệt “ta” với “người”, “nội đạo” hay “ngoại đạo” được dùng để hỗ trợ cho quan điểm này. Theo đó, một người theo Do Thái giáo hay Hồi giáo thực tập Chánh niệm không khác biệt với một Phật tử. Nếu khác biệt là do tâm người phân biệt mà thôi!
Một tác phẩm nghệ thuật thể hiện Tính Không trong triết học Phật giáo (nguồn ảnh: Buddha Space)
Phía bên kia thì lập luận rằng thiền sinh ngoại đạo sẽ không thể tiến xa hơn trên con đường Phật đạo khi họ giữ niềm tin về sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế, vốn trái ngược với thuyết “Duyên Khởi” trong đạo Phật. Khi tâm trí còn loay hoay với sự mâu thuẫn này thì thiền sinh bị lạc lối, không thể đạt được sự giác ngộ về tâm thức.
Dẫu sự tranh luận có gay gắt thế nào, Sư ông và đồ đệ của Người vẫn giữ vững niềm tin rằng thiền Chánh Niệm là cách thức hiệu quả để mang lại niềm an lạc, an vui, và hòa bình cho nhân thế!
Quả là “thời thế tạo anh hùng”! Chiến tranh ở Việt Nam những năm ấy đã khiến Sư ông Thích Nhất Hạnh bản lĩnh, nhân ái, và mạnh mẽ hơn người. Di sản Người để lại sẽ còn sống mãi theo dòng thời gian và giúp ích cho nhân loại. Cũng như vậy, hình ảnh Sư ông vẫn mãi còn đó cùng thế gian trong từng hơi thở, từng bước chân an lạc, từng nụ cười tươi mát theo gió mây. Riêng tôi, khi nghĩ về Phương Bối Am, về Bảo Lộc, về rừng thông trong tu viện Bát Nhã hay về quê nhà Việt Nam nói chung, tôi thấy nụ cười Sư ông bình dị và an yên. Nhớ lời dạy của Người, tôi hiểu rằng không có hạnh phúc nào bằng hơi thở bây giờ và ở đây. Những niềm vui hay nỗi buồn từ ngoại cảnh bên ngoài đến rồi đi, nếu bám vào ấy thì bản thân mình đã đánh mất thời gian quý giá trong đời vì thiếu chánh niệm.
Tôi chưa phải là người sống có chánh niệm nhưng tôi biết là mình không bỏ cuộc.
Vài dòng tự sự khi nghe tin Sư ông Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế, VN
25/01/2022
Rita Nguyễn
Pháp danh: Tịnh Nghiêm