Posted on: September 20, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

BIẾT THÌ DỄ, LÀM MỚI KHÓ

      Ngày nay, ở thời đại ngập tràn tin tức từ ti vi, báo giấy, báo mạng, và hàng loạt kênh truyền thông qua mạng xã hội, cái biết của con người ngày càng được mở rộng. Với phần đông dân số Việt Nam, thế giới đúng nghĩa chỉ còn thu bé lại trong cái điện thoại thông minh.

      Tuy nhiên, “cái hiểu biết” và nhận thức ấy phát triển theo chiều hướng nào còn tùy vào nguồn thông tin mà mỗi người tiếp nhận. Bởi vì, những tin tức “lá cải” từ những cá nhân/hội nhóm bỗng trở thành “phóng viên chuyên nghiệp” sau một đêm nhiều như lá mùa thu. Chỉ cần biết đánh vào “gu” hay “thị hiếu” của số đông, chỉ cần giỏi quảng cáo thì những nguồn thông tin ngoài luồng này còn “ăn khách” hơn những đơn vị báo chí đáng tin cậy. Thế nên, biết nhiều là một chuyện, nhưng biết cái gì lại là câu chuyện khác!

      Đó là chưa kể, may mắn biết được kiến thức hay ho là một chuyện, nhưng có ý chí và động lực để làm theo điều tích cực ấy hay không lại là thử thách vô cùng lớn lao!

      Chẳng phải thế mà, ai cũng nghe ra rả trên thông tin đại chúng là con người cần phải bảo vệ môi trường vì tương lai của nhân loại, ai cũng biết về hành động đơn giản nhất là đừng xả rác nơi công cộng. Ấy thế mà, như ở Việt Nam ta, rác thải ngoài công viên, đường phố hay sông hồ vẫn ngập đầy từ thành phố lớn đến thị trấn nhỏ. Mợ tôi và đồng nghiệp trong đội công trình đô thị vẫn phải đi dọn rác mỗi ngày trong công viên, đi vớt những hộp xốp hay bịch ni lông với thức ăn thừa nổi lềnh bềnh trên mặt nước mỗi cuối tuần ở hồ nước trung tâm tại Bảo Lộc. Kể cả ở đảo ngọc Phú Quốc, tại khu vực nhà hàng cạnh bờ biển do người Việt Nam làm chủ, tôi chứng kiến cảnh nước bẩn từ nhà hàng theo rãnh nước chảy thẳng xuống biển. Dọc bờ biển, nhóm khách du lịch từ phương Tây trong bộ đồ tắm nhìn nước biển nổi bong bóng nhầy nhụa trên lớp chất thải đen đúa bập bềnh theo gợn sóng mà nét mặt không khỏi hoang mang.

      Chẳng phải thế mà, ai cũng biết rằng tập thể dục là phương thuốc hiệu quả nhất để rèn luyện sức khỏe và hạn chế bệnh tật, nhưng không phải ai cũng rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên. Báo VnExpress điện tử đưa tin: “Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn.”

                                                                          Nguồn biểu đồ: VnExpress

      Chẳng phải thế mà, ai cũng hiểu về tác hại của việc dùng thiết bị điện tử quá lâu (đặc biệt giảm sút sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trầm trọng ra sao) nhưng không mấy ai “dám” thả điện thoại thông minh xuống để dưỡng sức cho bản thân. Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 từ Adsota, trong số 70% dân số Việt Nam dùng mạng Internet với 67% dân số “chăm chỉ cày” các trang mạng xã hội, trung bình một người Việt Nam dành tới 6 tiếng 42 phút mỗi ngày “cắm mặt” vào các thiết bị điện tử, đặc biệt là smartphone. 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội. Với tình hình buộc phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh thời gian qua, lượng thời gian truy cập mạng của người Việt chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Từ trẻ em, thanh niên tới người lớn tuổi đã về hưu. Không lạ khi số ca nghiện Internet ngày càng tăng và phương pháp trị liệu để dứt cơn nghiện ngày càng phức tạp, tiêu tốn thời gian; lãng phí nguồn lực xã hội!

      Hiện tượng “biết vậy nhưng không làm được” không phải hiếm, không chỉ diễn ra với người Việt Nam mà với loài người nói chung trên toàn cầu. Ấy là trở ngại thử lòng kiên định của con người và chất lượng sống của mỗi cá nhân phụ thuộc vào việc “chiến đấu” với “virus chây ì” trong bản thân như thế nào!

     Tôi không phải là người đã thành công trong cuộc chiến này. Tôi chỉ là một cá nhân vẫn đang bền bỉ và kiên trì để chống lại sự chây ì cố hữu nhằm chuyển hóa thói quen theo chiều hướng tích cực hơn mỗi ngày qua. Đôi khi tôi thấy chới với vì mục tiêu đạt được còn xa vời quá, nhưng tự dặn lòng phải biết trân trọng thành quả dù nhỏ nhoi. Điều quan trọng là tôi hiểu cái “gu” của chính mình để tự tạo động lực cho bản thân!

      Chẳng hạn, việc trở thành người ăn chay trường là cả một quá trình chuyển hóa không dễ dàng của tôi.

      Tôi vốn sống xa nhà để trọ học từ nhỏ. Sống với bà con còn gặp bấp bênh tài chính nên việc ăn uống có phần kham khổ. Thưở dậy thì, tôi thèm ăn đủ thứ, đặc biệt là thịt cá tôm các loại. Vì trong tuần không thường được ăn đủ chất nên cuối tuần về nhà, tôi ăn bù. Nhiều hôm ba má nấu cả nồi đầy cá hay tôm kho, tôi ăn vụng hết phần thức ăn cho no bụng mà không cần cơm. Thiên hạ nói đúng: cái gì khiến ta càng thèm thì lại càng muốn có!

     Cuối cấp 2, tôi tự dặn lòng phải ăn chay ít nhất 4 ngày trong một tháng để bớt sát sinh hại vật. Bớt được chút nào hay chút ấy! Thế nhưng, cảnh tượng thường diễn ra là sáng sớm dậy đến trường, tôi nghĩ ngay đến bữa ăn sáng thơm ngon béo ngậy của ổ bánh mì thịt nướng năm ngàn đồng gần trường học. Gặm xong ổ bánh mì mà miệng còn chóp chép thòm thèm, tôi giật bắn lên nhận ra hôm ấy là ngày chay tịnh. Sự cố diễn ra trăm lần như một. Tôi tự hận bản thân mình biết là bao! Mục tiêu ăn uống thanh tịnh dù chỉ vài ngày trong tháng trở nên “phá sản” bởi sự quyến rũ của mùi thịt nướng thơm lừng!

      Sau này, tôi đi chợ nhiều hơn. Tôi len lỏi vào các gian hàng bán thịt cá ở chợ truyền thống với mùi hôi tanh không lẫn vào đâu được. Tôi lặng lẽ quan sát cái đầu heo đã bị chặt lìa đặt cạnh các tảng thịt to và mảng sườn còn dính máu, đám ếch bị trói chân đặt trong thau nước đang vùng vẫy muốn được nhảy đi, đám cá trê đang há hốc miệng hớp từng ngụm không khí rồi bị bà bán hàng đập đầu vài nhát cho chết và mổ bụng moi ruột gan giao cho khách, v.v. Tôi thấy rùng mình, muốn nôn, thấy đau như ai đấm vào bụng… Khoảng giữa 2006, tôi quyết định ăn chay hằng ngày. Một phần để không bao giờ quên ngày chay tịnh, một phần là vì ám ảnh mấy con vật đã chết, đang chết và sắp chết được trưng bày ở chợ.

      Gia đình ban đầu không ủng hộ tôi. Tôi đã phải dùng mọi lời lẽ để biện minh cho hành động của mình và cam kết là tôi sẽ khỏe thôi. Chống đối lại lời khuyên của người quan tâm mình quả là căng thẳng! Giai đoạn đầu xuống Sài Gòn học đại học, tôi rất ngại khi tham gia các buổi tụ họp ăn uống theo hội nhóm với bạn bè. Thỉnh thoảng nếu đi, vì không muốn làm kẻ “khác người” nên tôi chấp nhận phá lệ mà ăn mặn. Thỉnh thoảng được làm khách mời, chủ nhà thuyết phục ăn món mặn nhiệt tình quá, tôi vì lịch sự cũng chấp nhận phá lệ. Ăn xong thì cảm giác thèm món mặn lại ùa về trong tâm trí, đặc biệt là khi đói. Ngày nào nổi cơn thèm cá thịt thì buổi tối thường mơ bị đám gà heo bò rượt theo để giết tôi, tôi chạy “sấp mặt” trong mơ. Tỉnh dậy còn đổ mồ hôi hột! Khoảng cuối năm đầu, sau khi ông ngoại tôi mất, tôi quyết định phải “cứng” với chính mình: không phá lệ với bất cứ ai nữa. Cũng chẳng ngại ngần công khai là người ăn chay, còn rủ bạn bè ăn chung. 

                                               Ảnh minh họa: ngủ mơ thấy ác mộng vì phá lệ ăn mặn

      Chỉ là, với tính chất hay đi đó đây vì công tác hay du lịch, không phải ở đâu cũng tìm được món thuần chay, lâu lâu tôi cũng ăn trứng hoặc sản phẩm làm từ sữa động vật như cách để “sống còn”. Tuy nhiên, từ tháng 04/2021, tôi quyết định từ bỏ trứng và sữa động vật – cai hoàn toàn. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm nên tự biết chuẩn bị đồ ăn thuần chay dù trong hoàn cảnh nào.

      Lý do tôi thành người ăn chay trường là vì tôn giáo và môi trường, và tôi tin đó là điều tốt nên làm cho chính mình và xã hội. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa từ một thiếu nữ thèm ăn cá thịt thành người ăn chay thuần là cả một “cuộc chiến vật vã”. Chống lại sự chây ì, chống lại cảm giác thèm muốn của bản thân là cả một vấn đề!

      Động lực chính của tôi nằm ở nhận thức cao về hậu quả! Tôi là người biết sợ hậu quả! Tôi sợ rằng nếu không ăn chay trường thì tôi sẽ phá vỡ cam kết ăn chay 4 lần một tháng của chính mình. Nếu tôi không uy tín với chính bản thân mình, tôi không thể uy tín với ai khác. Tôi cũng sợ rằng nếu không ăn chay thì tôi là một thành phần giúp ngành sản xuất và chế biến thực phẩm từ động vật phát triển, góp phần phá hoại môi trường sống nặng nề. Tôi luôn nói về việc bảo vệ môi trường, nếu tôi không làm gương thì lời nói còn giá trị gì nữa! Ngoài ra, tôi sợ ăn sản phẩm từ động vật vì chúng không đáng bị đối xử tệ hại hay bị moi gan xẻo thịt để thỏa mãn cảm giác thèm ăn của mình. 

                                                           Minh họa “Tự tạo động lực”. Nguồn ảnh: tác giả

       Thế nên, trong tác phẩm đầu tay Vòng Tròn To, Vòng Tròn Nhỏ, tôi nhấn mạnh rất nhiều về hậu quả của việc phá hoại môi trường sống của loài người ở nhiều nơi trên trái đất. Có độc giả cho là: hậu quả thì ai cũng biết rồi, đề cập nhiều giải pháp thì tốt hơn. Tuy nhiên, là người tự tạo động lực thông qua việc nhận thức về hậu quả, tôi nghĩ rằng nếu hậu quả càng được tô đậm trong tâm trí người đọc, biết đâu động lực mạnh trong họ sẽ nổi lên (mà tôi gọi là “khoảnh khắc vàng”) để thay đổi hành vi “chây ì” của mình. Biết đâu họ trở thành “anh hùng cứu tinh” của Trái Đất!

       Tưởng tượng cảnh Trái Đất hoang tàn, loài người đi đến bờ diệt vong trong vài trăm năm nữa, tôi có thêm động lực để cố gắng SỐNG XANH! Vâng, nói thì bao giờ cũng dễ mà làm được hay không lại là vấn đề khác! Ăn chay trường, dùng xe đạp nhiều nhất có thể, không làm tăng dân số, kiềm chế bản thân để hạn chế mua sắm như tôi hiện đang thực hiện chỉ là một phần của giải pháp. Mỗi ngày tôi vẫn luôn đấu trí với bản thân để làm sao giảm việc dùng nhựa ít nhất có thể và cảm thấy tội lỗi khi thất bại. Mỗi lần thấy nhựa ngập đầy trong siêu thị, tôi lại thấy bất lực vì mình vẫn chưa dành thời gian để viết thư than phiền gởi cho phòng Chăm sóc khách hàng. Còn bao nhiêu việc để làm theo tiêu chuẩn SỐNG XANH nhưng tôi vẫn chưa hoàn thành tốt! “Virus chây ì” vẫn còn bám đầy trong não bộ khiến tôi phải tranh đấu mỗi ngày!

      Vậy đấy, biết chỉ để “tám” chuyện phiếm thì chưa đủ, biết để thay đổi bản thân mới cần thiết! Mỗi người chúng ta có cách tự tạo động lực khác nhau. Với tôi, đó là sự ám ảnh với hậu quả. Với bạn, bạn có thể cần người đồng hành, cần lên mục tiêu rõ ràng, cần người tạo cảm hứng, cần được khen thưởng, v.v hoặc cần tất cả những điều trên để có động lực thay đổi chứng chây ì của bản thân. Dù là gì, tôi mong chúng ta sẽ chuyển hóa mỗi ngày để khỏe khoắn về thể chất lẫn tinh thần hơn, nhé!

      Nghĩa là chịu khó hành động vì môi trường nhiều hơn nữa từ những điều nhỏ nhặt nhất, vận động cơ thể thường xuyên hơn và “dám bỏ” điện thoại xuống khi đã tới giới hạn thời gian cho phép.  

       Khi hiểu bản thân và biết cách TỰ TẠO ĐỘNG LỰC như thế nào, mỗi chúng ta sẽ còn làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn thế! Xã hội trở nên lành mạnh hơn nếu mỗi người dân: biết điều hay nói điều tốtnói được làm được! Động lực đủ cao sẽ tạo được tính kiên định đủ mạnh mẽ để vượt qua nhiều trở ngại, Quý vị và các bạn nhỉ! 

Đọc thêm:

20 cách giúp bạn tự tạo động lực cho bản thân

Nguồn tư liệu: VnExpress.net, vtv.vn

Nguồn hình minh họa khác: freepik.com

                                                                                                                              Ngày 20/09/2021

                                                                                                                                   Rita Nguyễn