CHỐNG BẤT BÌNH ĐẲNG, TẠI SAO KHÔNG?

3992061

        Từ thưở bé, hầu như đứa trẻ nào cũng nghe thấy hoặc nuôi một ước mộng trong đêm Trung thu, hoặc năm mới, hoặc lúc thổi nến sinh nhật về một thế giới an ổn, hạnh phúc và hòa bình. Ấy vậy mà, ước mơ thiện lành ấy vẫn chỉ mãi là ước mơ – một mong đợi xa vời.

       Tại sao vậy? Trên lý thuyết, các nhà triết học có thể tranh luận về tính “thiên thần” hay tính “ác quỷ” về bản chất tự nhiên của loài người qua các lập luận đầy chữ nghĩa phức tạp. Tuy nhiên, về mặt thực tế, hành vi con người phức tạp hơn rất nhiều so với chữ nghĩa. Và dĩ nhiên, dù tiến hóa cao cấp đến mức độ nào thì con người vẫn không thoát được quy luật mang tính “con” nhiều hơn “người” như “cá lớn nuốt cá bé”, “một rừng chỉ có một chúa sơn lâm”. May mắn thay và cũng tiếc thay, tư duy con người tinh vi hơn các loài sinh vật khác nên tâm lý phân biệt đối xử gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội cũng vì thế mà khó lường hơn.

        Bất bình đẳng diễn ra khi nào? Đó là lúc:

– Trong khi một người sẵn sàng tự bỏ tiền túi mua một bức vẽ phác họa cái đầu của một con gấu bằng bút chì từ danh họa hàng đầu thế giới với giá 12 triệu đô la, vô vàn người khác đang phải ăn bánh rán làm bằng bùn để sống qua ngày hoặc thậm chí chết vì suy dinh dưỡng.

– Trong khi người phụ nữ phải lao động khó nhọc trăm bề với bao nhiêu chức phận: làm mẹ, làm vợ, làm nhân viên, làm osin thì đàn ông nói chung vẫn được lãnh lương cao hơn, có cơ hội thăng tiến hơn và tiếng nói có trọng lượng hơn.

-Trong khi có người sinh ra sở hữu vẻ đẹp lộng lẫy trời cho và bao người vây quanh yêu mến tán dương, có người khác lại phải sống trong vỏ ốc hoặc bị sỉ nhục vì nhan sắc không thỏa mãn cái nhìn của đám đông.

-Trong khi ai đó “nam ra nam, nữ ra nữ” thì được trân trọng, còn ai đó “nam hay nữ có phần lẫn lộn” thì bị xem là “bệnh hoạn” bất cần tài năng và sự cống hiến của người ấy cho xã hội này.

-V.v và v.v từ các vấn đề vi mô đến vĩ mô, từ vấn đề trong nước đến vấn đề quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết giữa người giàu và người nghèo, nước phát triển và nước đang phát triển/thế giới thứ 3, người da trắng và da màu.

          Dẫu biết, cốt lõi của vấn đề bất bình đẳng bắt nguồn từ tâm thức của con người, tâm thức ấy bị ảnh hưởng bởi lịch sử phát triển, văn hóa và cả tâm lý cá nhân. Việc nhổ cái rễ của bất bình đẳng trong hệ thống xã hội toàn cầu gần như là chuyện không thể. Tuy nhiên, quá trình giảm mức độ bất bình đẳng xuống mức thấp nhất có thể vẫn là tốt hơn việc “chỉ nhìn mà không làm gì cả”.

         Cùng nhau, mỗi chúng ta học và hiểu về các vấn đề bất bình đẳng đủ rộng và đủ sâu để chuyển hóa tâm thức, từ đó có động lực tạo nên hành động dù nhỏ nhằm xây dựng thế giới bình đẳng hơn, nhé!

        Tin mừng là con người có khả năng gây ra vấn đề thì cũng có khả năng giải quyết các vấn đề ấy. Quan trọng là họ có muốn thay đổi hay không!

                                                                                                  Rita Nguyễn

                                                                                                 15/07/2021