
CHƯƠNG 3: VẪY VÙNG TRONG SÓNG NƯỚC

Đồng hành cùng ba bạn trẻ là sinh viên (Willis đến từ Mỹ, Chloe từ Na Uy và Dian từ Singapore), Ni Lô đã có một chuyến hành trình đáng nhớ khi du lịch ra nước ngoài lần đầu tiên với con người.
Ni Lô kể về Thái Lan như một thiên đường. Đất nước này được biết đến như Vùng Đất Của Những Nụ Cười, nơi người dân lúc nào cũng tươi tắn phục vụ khách du lịch. Đất nước này có tài nguyên thiên nhiên rất trù phú và đa dạng. Lại thêm sự may mắn chưa từng bị đô hộ và ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh thời cận đại nên sự phát triển về kinh tế vượt bậc so với Việt Nam. Ngành du lịch mang lại lợi nhuận vô cùng lớn vì thu hút quá chừng khách từ mọi miền trên thế giới. Người ta đến để ngắm nhìn cảnh vật ở vùng biển đảo, sông nước, đồng ruộng, núi cao; để khám phá văn hóa có vua và hoàng gia thời hiện đại; có thức ăn mặn mà, chua ngọt và cay nồng; có môn thể thao quyền anh đặc trưng nổi tiếng; có những buổi biểu diễn lộng lẫy của cộng đồng chuyển đổi giới tính; có những ngôi chùa nguy nga tráng lệ; có những lễ hội mang tính cộng đồng vui “tẹt ga” như lễ hội tạt nước, vân vân và vân vân.
Bên cạnh đó, đất nước này đang phải đối diện với hậu quả của ô nhiễm môi trường, cũng như biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Một phóng viên làm việc cho CNN tại Thái Lan đã tường tận miêu tả về sự thật đáng buồn này cho nhóm bạn trẻ. Có những vấn đề mà chỉ có người sinh sống tại địa phương lâu năm mới thấu hiểu, như câu chuyện buồn dưới đây:
[…] Trung Quốc từng là bến cảng nhập khẩu rác điện tử từ khắp nơi trên thế giới để tái sản xuất. Nhưng gần đây, dưới sức ép của vấn đề môi trường và sức khỏe của người dân, chính quyền Trung Quốc đã ngưng việc này. Thế thì rác điện tử đi về đâu khi các quốc gia phát triển bên phương Tây không muốn làm vẩn đục môi trường sống của họ? Chính là các quốc gia Đông Nam Á nhìn thấy cơ hội này. Các ông chủ tận dụng nguồn lao động giá rẻ cùng nguồn rác vô cùng lớn để tái chế kiếm lời bất chấp rủi ro. Tỉnh Chachoengsao ở phía đông Bangkok hiện là trung tâm của ngành công nghiệp tái chế rác điện tử tại khu vực. Mặc dù về mặt luật pháp, Bộ Công nghiệp Thái Lan đã đưa ra lệnh cấm tái chế rác thải độc hại này. Nhưng về mặt thực thi, rõ ràng có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho các nhà máy hoạt động. […]
[…] Hợp chất dioxin là kết quả của việc nung chảy đồ điện tử ở nhiệt độ không đủ cao. Chất này xâm nhập vào không khí và nguồn thực phẩm gây ung thư. Các kim loại nặng khác thì thấm vào đất và nguồn nước ngầm. Thế là, cây trồng héo tàn, người dân quanh khu vực bị đau đầu nôn mửa. Nhiều trường hợp phải bỏ xứ ra đi, đến tu sĩ Phật Giáo cũng đành bán rẻ ngôi chùa và đất chùa của mình. Vài trường hợp chống đối thì gặp nguy hiểm vì sự trả thù bạo lực. Những người công nhân thấp cổ bé họng ư? Họ không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Ở hoàn cảnh ấy, họ không có quyền lựa chọn không khí để thở. Người dân hoàn toàn đúng khi phẫn nộ cho rằng: Thái Lan không phải là bãi rác của thế giới, tại sao phương Tây không tự xử lý rác của mình? Vẫn là quy luật bất thành văn của cơ chế: các nước giàu có tiền và quyền thì có cơ hội xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp hơn trên nỗi tuyệt vọng của các quốc gia đang và kém phát triển.
Tương lai của nền kinh tế phụ thuộc ngành du lịch sẽ là một thách thức lớn. Đôi khi chịu lùi lại một bước để có thể tiến thêm ba bước, đôi khi trăn trở để lựa chọn giữa tiền bạc và sự sinh tồn của loài san hô cũng đủ tạo nên sự đổi thay.
Mời Quý vị và các bạn cùng lắng nghe hai phần trích đoạn ngắn thuộc chương 3 “Vẫy vùng trong sóng nước”.