NGƯỜI LỚN VÀ Ý KIẾN CON TRẺ

Ivory Creative International Children Day Instagram Post

        Ngày còn bé, cũng như bao người, tôi đã bị “thấm nhuần” tư tưởng rằng: con ngoan trò giỏi là phải biết luôn nghe lời, luôn làm theo, cấm “cãi lại” người lớn dưới bất kỳ hình thức nào. Thỉnh thoảng ức chế quá thì tôi đưa ra ý kiến để hàm oan cho bản thân ở một số tình huống, và kết quả là luôn bị mắng “hỗn láo/mất dạy”, thậm chí bị tát.

       Tôi luôn cố gắng thể hiện “nét ngoan hiền” bằng cách im lặng ở bên ngoài nhưng trong tâm trí thì dậy sóng. Tôi thường “đấu tố” với chính mình và tưởng tượng cuộc hội thoại mang tính tranh luận với ai đó đã từng nói lời mà tôi không phục. Có chăng văn hóa “trên bảo dưới nghe và cấm cãi” khiến những đứa trẻ không có cách nào hình thành được kỹ năng thể hiện quan điểm và phát triển tư duy độc lập?!?

       Trong bao nhiêu bài tập làm văn từ thưở cấp 1 đến cấp 3, thậm chí bài luận thời đại học, “chiến thuật” của tôi và bạn bè là vận dụng cách hành văn và vốn từ ngữ mà bản thân học được để diễn đạt ý văn đã được dạy. Bài viết suôn sẻ và thể hiện đúng, đủ ý giáo viên dạy thì điểm cao; ngược lại thì điểm thấp. Đám học trò hơn thua nhau ở điểm số là từ khả năng viết có đúng chính tả và trí nhớ có tốt hay không mà thôi! Chẳng thế mà mỗi lần viết bài văn kiểm tra 15 phút hay 45 phút, tôi luôn có cảm giác là mình đang “hoa mỹ hóa/văn vẻ hóa” sự kiện lịch sử hơn là viết cảm nhận về tác phẩm văn học. Căn bản là tôi chẳng thấy cảm nhận riêng nào của mình trong đó cả, chỉ toàn là cố gắng nhớ đủ ý mà giáo viên đã dạy để viết lại bằng lời của mình mà thôi. Có chăng chính cách dạy và học này đã làm “thôi chột” khả năng tư duy và phản biện của con trẻ?!?

        Thời hiện đại, ở thành phố lớn, nhiều giáo viên và phụ huynh đang dần tiếp cận các phương pháp giáo dục Do Thái, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hà Lan, v.v và áp dụng cho thế hệ trẻ em mới. Có trường hợp thành công vài phần, có trường hợp không. Khó ở chỗ nào? Thứ nhất, khi thế hệ người lớn chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác được “giáo dục kiểu mới” thưở con thơ thì rất dễ mất dấu “giới hạn”. Khắc nghiệt quá thì rõ ràng không hay rồi, nhưng tự do bao nhiêu thì đủ và phù hợp để trẻ em phát triển kỹ năng thể hiện quan điểm và phát huy tư duy phản biện? Hay tự do quá thì phản tác dụng, trẻ em “leo lên đầu lên cổ” người lớn? Người lớn phải có trải nghiệm nhất định, có kỹ năng giáo dục cùng kiến thức về tâm lý đáng kể thì mới mong áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại này hiệu quả. Thứ hai, trong một xã hội với các thế hệ bảo thủ và cởi mở sống cùng và ảnh hưởng đến nhau, đứa trẻ sẽ vô cùng hoang mang khi cha mẹ dạy đằng tây, ông bà dạy đằng đông.

        Dẫu không còn là một đứa trẻ hay thiếu niên, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi có những trải nghiệm mới mẻ khi trở lại thời sinh viên ở một nền văn hóa phương Tây. Trong môn học về cách viết văn tranh luận, sinh viên 18 hay đôi mươi được xem phim nhiều tập mang tính bạo lực lẫn tình dục; có khi thầy mở phim ngay trên lớp để xem cùng nhau rồi phân tích các góc nhìn khác nhau về tập phim. Sau đó, mỗi sinh viên chọn một chủ đề cho bản thân để viết luận. Chủ đề bao gồm Kỹ thuật xây dựng phim (màu sắc chủ đạo, góc máy, hóa trang, v.v), Vấn đề bạo lực và tình dục trong phim, Quyền Phụ nữ, Ý tưởng tôn giáo, Vấn đề sắc tộc, Tương lai của công nghệ cao, v.v và v.v. Bất cứ chủ đề nào sinh viên hứng thú thì viết ra; mà đã hứng thú thì thường không bị chán dù phải viết 7 trang giấy A4.

       Sau bộ phim còn là tập truyện ngắn về chủ đề LGBT hay tập thơ về chiến tranh. Sinh viên được hướng dẫn và truyền cảm hứng để tạo nên poster biểu tình chống chiến tranh như thế nào cho ấn tượng và hiệu quả. Tuy là một sinh viên “già” đã chạm ngõ 30 tuổi và cũng là sinh viên duy nhất đến từ quốc gia khác trong lớp lúc đó, tôi cảm giác như đấy mới là lúc tôi thật sự được học điều đáng học. Có thể lời văn của sinh viên cần phải cải thiện nhiều nhưng ý văn của mỗi người là duy nhất, đầy “chất riêng” không ai giống ai cả. Chắc chắn là giảng viên đọc nhiều bài thì cũng không thấy chán!

       Tôi vẫn đang học vì cảm thấy học theo cách ấy thì đáng đồng tiền bát gạo và công sức lẫn tư duy. Trải nghiệm cái “thực học” của tôi dẫu hơi muộn nhưng không trễ; may mắn là tôi có cơ hội để trải nghiệm. Tôi thở dài, vì ở nhiều nơi trong thời hiện tại, việc trẻ em thể hiện ý kiến của mình sao quá khó khăn. Khi nào thì trẻ em sẽ thôi làm “con rối” trong tay người lớn?

                                                                                          Rita Nguyễn

                                                                                          14/07/2021