Chia sẻ chuyện đời thông qua những trang sách
Giáo viên cũng như bao người bình thường khác: bận rộn chuyện gia đình, có những lúc buồn vui hay “trái tính trở trời” thất thường, có người làm nghề vì yêu nghề, có người lại vì “cái phận” hơn là niềm đam mê. Tuy nhiên, đã theo “nghiệp dạy học”, thầy cô giáo được cả xã hội đặt trên vai mong đợi lớn lao: trở thành tấm gương sáng để giúp những búp măng non phản chiếu tương lai đẹp đẽ trong ấy.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, ấn tượng tốt đẹp của tôi với một số giáo viên đáng kính rất ít ỏi và nhạt nhòa; trong khi sự căm phẫn và ức chế với nhiều giáo viên khác vì tính thiên vị, bạo lực, thích dọa nạt, thực dụng hoặc dạy học hời hợt không có tâm lại rõ ràng hơn cả. Thời đi học, đã bao lần tôi bật khóc vì họ. Với tôi, việc cắp sách đến trường chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con trong gia đình. Không hứng khởi, thiếu đam mê. Chính vì thế, tôi thật sự không hứng thú là bao với ngày 20/11 và cũng không muốn nhớ về thời học trò. Không rõ là có bao người xui rủi như tôi!
Vì trải nghiệm ấy, tôi thật sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và không tiếc thời gian, công sức để tổ chức nhiều chương trình dạy ngoại khóa về kỹ năng sống cho trẻ em ở vùng nông thôn. Tôi muốn chứng minh rằng: việc học tập không thực sự khô khan và người đứng lớp không nhất thiết phải tỏ ra nghiêm trọng. Công tác giáo dục không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức mà còn là kỹ năng, thái độ, cách hành xử và cái tâm. Cũng như tặng quà không chỉ giá trị ở món quà mà còn là cách tặng như thế nào để người nhận cảm thụ và trân trọng.
Chính vì thế, tác phẩm “Totto-chan bên cửa sổ” gây dấu ấn với tôi như cách thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku và thầy cô khác của trường Tomoe Gakuen đã ghi dấu ấn và thay đổi cuộc đời của Totto-chan – vốn dĩ là đứa trẻ quá năng động và lạ lùng so với bạn bè cùng trang lứa.
Ở Tomoe, những cô cậu bé “cá biệt” vì tính cách hay khiếm khuyết cơ thể nhận được một quy cách giáo dục “đặc biệt” không kém. Chẳng hề có áp lực, chẳng hề bị ép buộc, chẳng hề bị dèm pha hay so sánh với ai khác, mỗi đứa trẻ là một thực thể riêng biệt với những khả năng lẫn tiềm năng duy nhất được khai phá và phát huy.
Nếu ở môi trường giáo dục khuôn khổ như bên ngoài, Totto-chan có thể đã vì sự mặc cảm tự ti do bị “dán nhãn” tiêu cực mà rẽ hướng cuộc đời khác đi. Nhưng không, may mắn được thụ hưởng cách giáo dục “như truyện cổ tích” ấy, Totto-chan đã trở thành “Người phụ nữ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản” và kể lại câu chuyện thưở thơ ấu của mình.
Dẫu trường Tomoe đã bị bom đạn phá sập vì Thế chiến thứ hai, câu chuyện của Totto-chan – tên thân mật lúc nhỏ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko – thật sự đã được quan tâm trên toàn cầu và trở thành nguồn cảm hứng cho bao người về ý tưởng chuyển hóa hệ thống giáo dục khuôn khổ, hà khắc và cứng nhắc để trở nên hiệu quả hơn.
Nhân vật chính là trẻ em nhưng người cần đọc và suy ngẫm lại chính là người lớn, đặc biệt là Quý phụ huynh và thầy cô giáo cùng những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục.
Rita Nguyễn
17/07/2021
Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy.