Posted on: July 14, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

TÂY TẠNG VÀ NỀN VĂN HÓA SẮP BIẾN MẤT

A – Tổng quan lịch sử hiện trạng

   Tây Tạng đã từng là một Vương quốc thống nhất vào thế kỷ thứ 7 sau CN dưới sự trị vì của vua Song-tsen Gampo. Vị vua mạnh mẽ và tài năng đã khiến hai ông lớn láng giềng là Trung Quốc và Ấn Độ phải nể sợ. Cũng hai ông lớn đã đồng ý gởi hai cô công chúa sang làm vợ Song-tsen Gampo, và cũng chính hai nàng chúa này đã mang hai bức tượng Phật Thích Ca đầu tiên sang Tây Tạng. Hai bức tượng được trang trọng được đặt trong hai ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở đất nước này tại thủ đô Lhasa.

   Tới triều đại tiếp theo của vua Trisong Detsen, một vị tu sỹ cũng là triết gia vô cùng lỗi lạc từ Ấn Độ—Shantarakshita—đã được mời sang thăm viếng Tây Tạng. Ông bắt đầu công trình xây dựng tu viện Phật giáo đầu tiên tại đây (tu viện Samye năm 779) cũng như chứng minh cho những tu sỹ Tây Tạng đầu tiên xuất gia. Sau đó, một vị thầy lỗi lạc Ấn Độ khác dù không phải là tu sỹ—Padmasambhava— nhưng trí lực vô cùng uyên bác khiến bao người luôn xem ông là “Vị Phật thứ hai” đã có công mang lại niềm tin Phật giáo cho gần như toàn bộ người Tây Tạng. Chính vua Trisong Detsen đã xin nhận Ngài Padmasambhava là Sư Phụ cho con đường học và tu đạo của mình.

   Kể từ lúc bấy giờ, Phật giáo đã bắt rễ, phát triển không ngừng qua vài thăng trầm tại vùng đất cao nhất thế giới này; để rồi Phật giáo trở thành Quốc giáo và một phần quan trọng trong nền văn hóa của người dân Tây Tạng giản dị và rất mực “tâm linh”. Đây từng là quốc gia được biết đến với chính quyền mang tính chính trị – tôn giáo từ thế kỷ 17 do những tu sỹ Phật giáo nắm giữ, cụ thể vị lãnh đạo tối cao là Đức Dalai Lama thứ 5 đến vị cuối cùng là Dalai Lama thứ 14. Cũng chính những vị tu sỹ – chính trị gia đã xây dựng quốc gia bình an qua nhiều giai đoạn mà không có sự tồn tại của quân đội một cách chính thức.

Cung điện Potala tại Lhasa từng là nơi ở của các vị Dalai Lama và là trung tâm hành chính điều hành đất nước Tây Tạng. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc dùng làm Viện Bảo tàng phục vụ du lịch. Nguồn ảnh: tác giả. 

   Cho đến năm 1959, khi chính quyền Trung Quốc chính thức đàn áp, xâm lược, cướp bóc, giết chóc hơn 2 triệu người Tây Tạng khiến vị Dalai Lama thứ 14 phải lưu vong sang Ấn Độ vì tương lai của dân tộc hiền hòa. Giờ đây, Tây Tạng đóng góp gần 1/3 diện tích lãnh thổ Trung Quốc với nguồn lợi từ những tài nguyên thiên nhiên trời cho, cùng nền du lịch từ việc phô bày những gì được cho là “văn hóa Tây Tạng” mà chính quyền Đại lục thúc đẩy quảng cáo. Và phần đông, những người Tây Tạng lưu vong đã thiết lập được một khu vực riêng ở miền Bắc Ấn Độ với chính phủ riêng. Phần nhỏ khác, người Tây Tạng di chuyển đến các vùng đất khác như Nepal, châu Âu, Mỹ vì sự sống còn và bảo tồn văn hóa của mình. Dù nơi đâu, sự hiện diện của Ngài Dalai Lama luôn là niềm động viên tinh thần vô cùng lớn lao để người dân Tây Tạng ở lại hay ra đi có động lực để sống và giữ niềm tin – hi vọng về một ngày độc lập – tự do trên quê hương mình.

Nguồn:

  1. Willis, Michael D. Tibet: Life, Myth and Art. Barnes & Noble Books, 2004.
  2. “Buddhism: Introducing the Buddhist Experience.” Buddhism: Introducing the Buddhist Experience, by Donald W. Mitchell and Sarah Jacoby, Oxford University Press, 2014.)

B – Trải nghiệm và những câu chuyện trên đường

    Gói đi tour 11 ngày 10 đêm bắt đầu bằng loại xe Jeep từ thủ đô Kathmandu, Nepal sang biên giới lãnh địa Tây Tạng thuộc Trung Quốc với trải nghiệm trên con đường mà không có mặt đường nào trên thế giới có thể tồi tệ – khủng khiếp hơn, kể cả đường rừng. Một thể loại lắc lư lăn lộn, tim gan phổi thận nhảy nhót tùng phèo xém nhảy tọt ra khỏi đường miệng mà không cần một viên thuốc lắc nào hỗ trợ! Phải nói là… nhớ đời đến muôn đời! Sau khi sang tới biên giới bên kia thì mặt đường như chuyển đổi từ địa ngục sang thiên đường với xe sang, đường nhựa láng cóng và đi chung với người Tây Tạng chứ không còn là người “bất cần mạng sống” ở Nepal nữa.

     Trải nghiệm đẹp với câu chuyện dễ thương:

  • Đường sá mới, đẹp, dễ chịu…. nên vô cùng ưng ý! Trung Quốc chấp nhận đầu tư đường sá băng qua bao núi đồi trên lãnh thổ Tây Tạng với âm mưu trắng trợn ai cũng rõ. Tuy nhiên, nhờ âm mưu thu nhận ích lợi kinh tế mà chấp nhận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện như vậy cũng bảo toàn mạng sống cho lữ khách đi lang bạc từ Nepal sang du lịch Tây Tạng bằng đường bộ. Chứ không thì, cuối hành trình, không phân biệt được vị trí của gan – tim – phèo – phổi.

              Cung đường “tàn tạ” phía Nepal trong lúc di chuyển đến biên giới với Trung Quốc. Nguồn ảnh: tác giả. 

Cung đường đẹp và an toàn xuyên qua đồi núi hùng vĩ nhằm nối liền Tây Tạng với các vùng miền khác. Nguồn ảnh: tác giả. 

  • Khung cảnh “nóc nhà thế giới” với mây núi tuyết chập chùng cùng không gian trong lành khiến lòng người se lại: “Ôi! Sông – non – nước hữu tình! Ôi kìa, bầy yak đang ăn cỏ trên lưng chừng núi trông cưng quá! Ôi kìa, biển mây dưới thung lũng mới bồng bềnh làm sao!… vân vân và vân vân!”.

                                                        Cảnh vật trên đường. Nguồn ảnh: tác giả. 

  • Với nền văn hóa đậm chất Phật giáo, tất cả các công trình tu viện giàu tính kiến trúc Tây Tạng độc đáo không lẫn vào đâu được. Dù rằng nhà cửa người dân có thể vô cùng giản đơn, phong cách sống không màu mè (thậm chí vẫn còn mang tính du mục từ ngàn xưa); nhưng nhìn những họa tiết sắc sảo ở các công trình Phật giáo, hoặc các bức tượng sống động đến từ ánh mắt nụ cười mà lòng không khỏi nôn nao. Điều gì khiến họ xây dựng được sự thành thục trong việc chạm khắc tinh tế, thẩm mỹ đến vậy! Điều thú vị hơn là với vị trí cao nhất thế giới trên dãy Himalayas, vốn dĩ không tiếp xúc với văn minh thế giới, họ vốn không có kỹ thuật hay công cụ tân tiến. Nhưng bằng lòng kiên trì và tâm huyết với từng việc dù nhỏ bé, người dân Tây Tạng khắc khổ đã thực hiện những công trình đẹp đẽ, vững vàng so với lịch sử dân tộc. Dù dưới bàn tay tàn bạo của chính quyền Trung Quốc thời Cách mạng văn hóa (1966 – 1976), hàng trăm ngàn tu viện bị đập phá không thương tiếc, nhưng cũng có những công trình lớn nhỏ được xây dựng lại lưu giữ vài phần cột chèo, bức tường, tượng, hình ảnh có giá trị tồn tại từ thế kỷ thứ 7. Gần 1300 năm bền bỉ hiện diện qua ngọn lửa hung tàn của chính quyền Trung Quốc, những gì trước mắt sao thiêng liêng lạ!

          Mandala, một trong những hình ảnh biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng. Nguồn ảnh: tác giả. 

  • Trăm nghe không bằng một thấy! Tinh thần hướng thiện của người dân Tây Tạng trong trẻo, hồn nhiên đến không từ ngữ nào diễn tả. Cảm giác như thể, họ lao động kiếm cái ăn cái mặc chỉ để sống mà hướng tâm đến thế giới Phật giáo của riêng họ. Không bao quát hết toàn bộ người dân, nhưng như một phần văn hóa, họ không ngại đến tu viện cúng dường những gì còn lại như tiền bạc, thực phẩm họ có được, họ không ngừng nghỉ lạy tam bảo hàng trăm đến hàng ngàn cái một ngày. Mặc kệ sự áp chế và “giáo dục tư tưởng chính trị vô tôn giáo” từ chính quyền, người dân Tây Tạng dù phải “nhìn trước ngó sau” cẩn thận hơn, nhưng nếu bắt họ từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình, chẳng khác nào đặt họ vào cuộc sống “bán thân bất toại”. Năng lượng của họ tỏa ra khiến khách lữ hành bỗng thấy “mắc cỡ” với sự “chưa bao giờ biết đủ” với bản thân!
  • Nếu là người muốn đến Tây Tạng để học hỏi hơn là thưởng ngoạn việc leo núi cao, khách lữ hành dù đến từ tôn giáo nào, kể cả Phật giáo, sẽ “sáng mắt” hơn để biết thêm về phái Phật giáo Mật Tông – Kim Cang thừa vô cùng độc đáo: vừa coi trọng sức mạnh của lễ nghi cúng kiếng,  vừa sâu sắc về hệ thống triết học Phật giáo được lưu truyền từ những Bậc thầy uyên bác từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7. Dù Phật giáo truyền đến vùng đất này trễ hơn bất cứ cung đường nào, nhưng cái rễ đã bắt sâu vào lõi của lòng đất và phát triển vàng son rực rỡ qua bao thế hệ. Sức mạnh và tính độc đáo của Phật giáo nơi này đủ khiến nhiều nhà nghiên cứu đặt Phật giáo Tây Tạng thành một nhánh riêng trong hệ thống các tông giáo Phật giáo phổ biến còn tồn tại ngày nay là Phật giáo Đại thừa và Nguyên Thủy.
  • Người đi cùng tác giả biết tiếng Tây Tạng lưu loát nên việc giao tiếp với người bản địa khá dễ dàng. Người Tây Tạng từ nông thôn đến thành thị trong suốt hành trình đều rạng ngời khi nói chuyện bằng tiếng bản địa với khách nước ngoài. Trong ánh mắt nụ cười ấy toát lên sự ấm áp, hồn hậu và gần gũi của người dân hiền hòa vốn sống ở vùng cao nguyên cao nhất thế giới.

      Trải nghiệm không vui và những câu chuyện kém dễ thương: 

  1. Không thể quên được quy trình giấy tờ vô cùng phiền hà. Để vào “vùng đất tự trị”, phần lãnh thổ trung tâm của Tây Tạng, lữ khách phải xin giấy phép đặc biệt ngoài Visa vào Trung Quốc. Để xin cấp giấy phép, lữ khách phải làm việc với công ty du lịch để sắp xếp một lịch trình với thông tin đầy đủ đi đâu, ngày nào. Không có trường hợp nào vào vùng đất tự trị này mà theo hình thức du lịch tự do. Dù nhiều người hay chỉ một người thì vẫn phải “gắn chặt” đời mình vào tour với sự chịu trách nhiệm của một công ty du lịch nào đó. Trong quá trình di chuyển, tài xế sẽ phải dừng trước rất nhiều đồn cảnh sát để hướng dẫn viên trình báo giấy tờ của họ và khách. Mỗi ngày đi tới điểm du lịch nào thì hướng dẫn viên sẽ phải đến chính quyền địa phương xin dấu mộc cấp phép của nơi đó, không thì tài xế và hướng dẫn viên sẽ phải chịu trách nhiệm với hình thức xử phạt nặng nề. Chưa bao giờ đi du lịch mà bị phiền hà chuyện giấy tờ và quy trình phức tạp, nghiêm trọng đến vậy! ….
  2. Tác giả bài viết và người thân đã sắp xếp với công ty du lịch để đến một tu viện không nổi tiếng ở một nơi xa xôi. Nhưng vì nơi này không có trong danh mục những tu viện được chấp nhận cho các chuyến du lịch nên đã không được cấp phép dễ dàng. Kết quả là chúng tôi đã phải chờ trong văn phòng cảnh sát hết một buổi sáng chỉ để những người trách nhiệm (hướng dẫn viên, công ty mẹ ở Lhasa) liên lạc, chạy lanh quanh khắp nơi để xin giấy phép. Buổi chiều đến được tu viện như mong đợi thì đã có hai mật thám – người của chính quyền cắt cử có mặt để quan sát và theo dõi xem khách và tu sỹ trong chùa có làm gì “nguy hiểm” cho an ninh quốc gia hay không. Cuối buổi gặp gỡ, chúng tôi và vị tu sỹ muốn trao đổi địa chỉ thư điện tử cho nhau thì mật thám viên đã ngăn chặn ngay và liền hành động này. Thật là như trong phim, chuyện thật như đùa!”
  3. Theo lời chia sẻ đầy bức xúc của anh hướng dẫn viên người Tây Tạng, ngay trong “lãnh địa” Tây Tạng, hiện chỉ có 500/4000 hướng dẫn viên là người Tây Tạng, còn lại là người Hán. Hiện số lượng này có nguy cơ thay đổi, chính quyền muốn chuyển toàn bộ hướng dẫn viên thành người Hán. Nguyên nhân thì không có gì ngạc nhiên! Dù bị bắt buộc đi học các lớp giáo dục về tư tưởng chính trị và văn hóa Tây Tạng dưới góc nhìn của người Hán, các hướng dẫn viên Tây Tạng không thể làm tốt nhiệm vụ của họ theo cách đánh giá của người lãnh đạo. Đa số chỉ có khách du lịch nước ngoài mới yêu cầu hướng dẫn viên người bản địa. Nguy hiểm vô cùng khi, mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch nội địa đến thăm vùng đất tự trị này, và những gì họ học được từ hướng dẫn viên người Hán là chính quyền Trung Quốc tuyệt vời “như ông Mặt trời” mang lại ánh sáng hiện đại nhằm giúp người dân tộc ít người bản xứ thoát nghèo – thoát ngu – thoát lạc hậu. Sự xảo trá trắng trợn!”
  4. Cũng theo thông tin từ anh ấy, những vị trí lãnh đạo trong chính quyền cấp làng xã, thị trấn hay trường học, bệnh viện trước đây luôn ưu tiên người Tây Tạng bản địa. Nhưng bây giờ, vị trí này đều dần thuộc về người Hán. Không lạ gì thực tế này! Ngoài ra, những người Tây tạng du mục bị ép buộc phải định cư ở một khu tập trung nhất định, trên mỗi ngôi nhà đều phải gắn lá cờ quốc gia ngày này sang tháng nọ, nếu không gắn lên thì sẽ gặp “hạn” và gặp “nạn”. Ít nhất điều này khiến chính quyền Trung Quốc được cảm thấy an toàn, vì lá cờ đỏ nhiều sao vàng bay phấp phới trên mái nhà chứng tỏ tất cả người bản địa cảm thấy tự hào dưới sự lãnh đạo của “Ông Lớn Đại Lục”. Lhasa, vốn là thủ đô của Tây Tạng ngày ấy, trở thành một trong những thành phố “đinh” trong ngành du lịch của Trung Quốc. Người bản địa đang bị đẩy ra vùng ven và nông thôn để dành đất cho người Hán đến ở và làm kinh doanh dịch vụ du lịch. Đất đai đang bị giằng xé để xây thêm các tòa nhà cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, người Hán ồ ạt ùa về như thác đổ! Người Tây Tạng thấp cổ bé họng phải ngậm ngùi thoái lui… thoái lui, họ “chân này đá chân kia” nhả từng mét vuông đất đai cho “ông Mặt trời”. Sự tham lam đến cạn lời!
  5. Vẫn là theo thông tin anh ấy kể, đa số người Tây Tạng không được cấp hộ chiếu. Nếu là người dân sống ở Lhasa thì chắc chắn không bao giờ có trường hợp ngoại lệ: không bao giờ có cơ hội bước ra khỏi vùng đất đại lục. Hiện thì người Tây Tạng vẫn còn có cơ hội đăng ký thẻ chứng minh nhân dân là “dân tộc Tây Tạng”, khoảng 20 năm sau nữa thôi, khả năng cao là tất cả người gốc dân tộc Tây Tạng bị xóa sổ vì họ sẽ phải đăng ký là “dân tộc Hán” theo chiến lược của chính quyền. Họ đang sống trong gọng kìm: ở lại vùng đất của mình thì phải chấp nhận bị đối xử như một giống dân ngu – nghèo – lạc hậu và bị hắt hủi từ người Hán, cũng như bị tước đoạt quyền công dân, bị cướp bóc trắng trợn; nếu phải tìm cách ra đi và trốn chạy thì cảnh sát, quân đội biên giới sẽ bắn chết ngay lập tức. Chừng 20 năm về trước, người Tây Tạng còn có cơ hội trốn chạy đi tị nạn ở các nước khác. Giờ thì: hoặc ở lại sống và chịu đựng, hoặc là quyết định liều mạng trốn chạy và đặt cược số phận vào may rủi. Nghe thôi mà đã cay nồng khóe mắt!
  6. Jokhang tại Lhasa là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng cất giữ bức tượng Phật Thích Ca đầu tiên được công chúa Trung Quốc là Wencheng mang theo. Nơi đây được xem là thánh địa của Phật giáo Tây Tạng với hàng ngàn khách thăm viếng mỗi ngày. Năm 2008, một cuộc nổi dậy bởi tu sỹ và phật tử Tây Tạng chống đối sự đàn áp của chính quyền khiến chính quyền Trung Quốc phải “đối xử” đặc biệt với khu vực này. Vẫn giữ gìn khu vực này màu sắc của văn hóa Tây Tạng để thu hút khách du lịch, nhưng quân đội và camera được bày binh bố trận khắp nơi nơi từ dưới mặt đất lên nóc nhà đến hẻm hóc nơi mấy góc đường bé nhỏ. Các “chiến sỹ bộ đội an ninh” luôn trong tư thế tác chiến với súng ống và khiên đỡ đạn đứng từng cụm ở các bốt đồn khắp bốn phương. Vào thăm chùa Jokhang cũng phải đi qua máy kiểm tra hành lý như ở sân bay. Vào thăm tu viện nổi tiếng khác thì phải trình giấy tờ và lịch trình, mộc kiểm duyệt cho những cán bộ an ninh tại cổng nếu họ thấy khách du lịch không phải sắc dân Á Đông. Hình ảnh Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình và các vị to bự khác được trang trí “lồng lộng” tại các chùa, tu viện, quán hàng ăn, khách sạn. Là khách du lịch mà còn cảm thấy ức chế, huống chi người Tây Tạng phải sống với sự đàn áp mỗi ngày như thế thì quả thật…  quá sức chịu đựng của con người!
  7. Ngôn ngữ và cái kết không chấp nhận được! Vì đặc thù là vùng đất quá cao so với mặt nước biển nên người bản địa không có rau để ăn, họ nuôi loài trâu núi vùng thảo nguyên cao (yak) để ăn thịt, uống sữa, dùng sữa làm phomai, dùng lông làm khăn, áo, lều. Kể cả tu sỹ ở đây cũng ăn uống sản phẩm từ yak để tồn tại như một phần văn hóa Tây Tạng qua ngàn năm. Là người ăn chay, chúng tôi không thể ăn món ăn truyền thống của họ trong suốt hành trình. Chúng tôi buộc phải dừng chân trước những quán ăn người Hán dù lòng không hề muốn. Chúng tôi không biết tiếng Trung, người Hán không biết tiếng Anh hoặc biết vô cùng căn bản dù họ làm dịch vụ du lịch. Một lần chúng tôi gọi món rau cải xào ăn với cơm trắng bằng cách chỉ trỏ vào hình ảnh trên thực đơn. Họ mang khoai tây xào thịt ra với cơm. Chúng tôi nói: không gọi thịt. Anh chàng người Hán da trắng như “tuyết bạch” gãi đầu ráng cãi với vốn tiếng Anh vừa đủ: không có thịt, chỉ một chút xíu thôi hà! Bà đầu bếp nghe “ào ào” bước ra, “lắng lòng kiên nhẫn quan sát” thì biết là chúng tôi không đụng vào dĩa thức ăn đó. Kết quả cuối cùng là tính tiền hết tất tần tật, giá một dĩa cơm và dĩa khoai tây xào ít thịt đáng bằng bữa ăn sushi chay ở Mỹ. Bước chân ra khỏi quán, tôi thấy tim mình nhói đau. Cảm xúc: có gì đó sai sai rồi! Những câu chuyện kiểu vậy lặp lại vài lần,… thấy ngán ngẩm!
  8. Còn lại thì một chút trải nghiệm tiêu cực về việc bị “hành xác” vài chuyện nhỏ nhặt. Việc di chuyển ở độ cao từ 3500 đến trên 5500 m trên mực nước biển với không khí loãng, thiếu oxi trầm trọng, phản ứng của cơ thể là: thiếu oxi não nên bị đau đầu như búa bổ, thiếu oxi về tim nên tim đập cực nhanh và mạnh khiến cơ thể mệt rã, thiếu oxi về chân nên bước lên 5 bậc cầu thang là đứng thở dốc như bà cụ 90. Leo đồi dốc lên tu viện mỗi ngày, vừa mỉm cười ngắm cảnh núi non mây gió mà đầu óc quay lòng vòng, tim “phang” thình thịch… Cũng khó nói là có hài lòng hay không nữa! Nhà vệ sinh “phong cách Tây Tạng” thì chỉ cần dùng một cụm từ: nhà vệ sinh trường học 15 năm về trước ở thị xã hay thị trấn (thành phố lớn thì chưa trải nghiệm nên tác giả không rõ)! Không dám ăn, không dám uống nhiều để đỡ phải “chịu đựng” nhiều!

            Chuyến đi không dễ dàng, nhiều nụ cười và cả nước mắt! Nhưng nỗi niềm và tình cảm dành cho người Tây Tạng thì chưa bao giờ nguôi đi! Truyền thông Trung Quốc luôn “vẽ” lên hình ảnh người dân tộc Tây Tạng rạng rỡ hạnh phúc trong những điệu nhảy ca vang dưới bàn tay giàu lòng bao dung giúp đỡ của chính quyền Trung Quốc bằng những bức tượng ở các vị trí đắc địa mang tính truyền thông cao. Có bao người là nhà báo, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia đến với Tây Tạng để lưu giữ lại văn hóa và tinh thần của dân tộc vô cùng hiền lành này qua những trang báo, trang sách. Vì nếu không cung cấp thông tin cho cộng đồng thế giới biết chuyện gì đang thật sự diễn ra bên trong, người người vẫn tưởng là Tây Tạng – một nhóm dân tộc thiểu số thuộc lãnh thổ Trung Quốc – đang sống an vui dưới chính quyền độc tài của kẻ xâm lược.

            Tác giả đã đi, đã thấy, đã cảm nhận và muốn chia sẻ những điều này (dù chỉ mới là một phần nhỏ của câu chuyện lớn) để có thêm người đồng cảm với người dân Tây Tạng. Người dân trong lãnh thổ của họ đang chết từng ngày! Khách du lịch nước ngoài đến với Lhasa càng ít đi vì họ không muốn đến nơi này để trải nghiệm văn hóa Trung hoa! Tất cả chùa chiền, tu viện đều biến thành bảo tàng và được diễn giải bởi hướng dẫn viên người Hán bằng giọng điệu hoàn toàn không trung thực.

                           Những tu sĩ thiếu niên vui chơi giờ giải lao trong tu viện. Nguồn ảnh: tác giả. 

           Ngày nào, văn hóa của họ còn thì dân tộc họ còn, không quan trọng số lượng người dân ít hay nhiều; nhưng người dân Tây Tạng trong lòng Trung Quốc không có nhiều cơ hội bảo tồn nền văn hóa ngàn đời của mình. Cơ hội duy nhất giờ đây là càng nhiều người hiểu về Tây Tạng càng tốt, và những người Tây Tạng sống tị nạn rải rác trên toàn thế giới truyền lại văn hóa cho thế hệ con cháu mai sau. Đây cũng là điều Ngài Dalai Lama mong mỏi động viên bà con Tây Tạng luôn cố gắng bảo tồn và gìn giữ nền văn hóa của mình!

                                                                    VÌ TỰ DO CỦA TÂY TẠNG!

                                                                      OṂ MAṆI PADME HŪṂ!

                                                                                                                       Nhân chuyến đi Tây Tạng,

                                                                                                                             Ngày 27/10/2018

                                                                                                                                   Rita Nguyen