
LÒNG NGƯỜI THAM ĐẮM VÀ TƯƠNG LAI TRÁI ĐẤT
Bâng quơ ngắm nhìn làn sóng bập bềnh lướt nhẹ dưới mạn thuyền, những hình ảnh chắp nối đó đây hiện về trong trí nhớ tôi, ẩn hiện trong hàng vạn bong bóng nước.
Tôi thấy những người chị, người mẹ và trẻ em gái ở Uganda và Rwanda phải vượt qua quãng đường thật dài để khiêng nước về sử dụng. Những cậu bé tươi cười và la hét om sòm hòa vào trận đá bóng dưới nắng chói chang. Những dòng mồ hôi bóng nhẫy trên thân hình bé nhỏ màu socola đậm đà. Cách đó không xa là núi rác với hàng tấn chai nhựa đang được nhóm thiếu niên chọn lọc và thu gom. Một cô gái nhỏ ngồi xuống nghỉ mệt, quét ánh mắt mơ màng qua không gian xung quanh với toàn rác và rác, rộng bát ngát mênh mông.
Đó là đất nước Dubai không một bóng cây xanh nhưng kiêu hãnh vì giàu có. Người dân dùng vàng để bọc xe hơi, bọc điện thoại và dát vào cả thức ăn. Họ tận hưởng cuộc sống bằng những buổi tiệc tùng xa hoa nơi sân thượng trên tòa nhà đâm thẳng lên các tầng mây, rong chơi bằng trực thăng như thú vui thông thường khi đã chán các loại siêu xe. Thậm chí, nhiều năm trước, họ còn được phép nuôi hổ hay chim ưng làm thú cưng cho đời thú vị. Để có được lối sống “dát vàng” ấy, phần lớn, họ đã khai thác triệt để nguồn “vàng đen” – dầu mỏ – ở sâu dưới tầng cát sa mạc mênh mông tại vùng đất Trung Đông này. Dầu mỏ trở thành mặt hàng nóng hổi khiến nhiều quốc gia khắp các châu lục phải cạnh tranh gay gắt để phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao. Dẫu các nhà khoa học luôn cảnh báo sự nguy hiểm của khí carbon dioxide thải ra từ nguồn dầu mỏ ảnh hưởng đến sức khỏe của vạn vật và môi trường, dẫu những người quan tâm tới môi trường luôn kêu gọi việc thay thế nguồn năng lượng dầu mỏ bằng năng lượng xanh từ gió và ánh sáng mặt trời, việc chuyển tiếp này chưa bao giờ dễ dàng. Ấy là vì thói quen vận hành với những gì đang có, ngại đầu tư và thay đổi. Ấy là sự xung đột lợi ích của những người đang làm giàu trong ngành dầu khí, không chịu buông. Ấy còn là hàng tá lý do khác của loài người mà tôi chưa bao giờ hiểu hết.
Mặt khác, tôi hiểu ma lực của đồng tiền mạnh khủng khiếp đến mức nào. Đủ để người ta chặt phá, san bằng khu vực rộng tương đương hai triệu mẫu tại rừng nhiệt đới Amazon – lá phổi của hành tinh – để lấy đất phát triển nông nghiệp lẫn công nghiệp. Chính quyền Brazil đã nhắm mắt làm ngơ như thể “lá phổi xanh” này không ảnh hưởng gì đến vận mệnh của cư dân toàn cầu. Tiền cũng là động lực cho việc chặt phá, đốt rừng cây trên đảo Borneo và Sumatra khiến Indonesia và các nước lân cận ngập trong khói bụi. Người ở đó cần đất để trồng cây cọ lấy dầu xuất khẩu và người ta không ngại tự châm lửa đốt để quét sạch cây rừng. Người nghèo lấy kế sinh nhai làm lý do để tận diệt rừng; người giàu thì bảo rằng, chỉ có cách san bằng rừng để công nghiệp hóa những khu vực chậm phát triển nhằm giúp người dân bản địa văn minh hơn.
Ở nơi này hạn hán khiến mặt đất nứt nẻ không sự sống, ở nơi kia mưa lũ ngập ngụa lút mái nhà. Mà cũng có nơi, khô hạn mùa này, lũ lụt mùa khác. Nhà ven biển cứ lần lượt bị sạt lở và chìm xuống sâu. Đất đai phong hóa hoặc nhiễm độc tố. Người chết vì muôn vàn lý do. Nóng quá hay lạnh quá mà chết; bão lũ, sóng thần, cháy rừng mà chết; ăn uống đồ nhiễm hóa chất mà chết, hít thở không khí ô nhiễm mà chết. Có người trực tiếp phá hoại thiên nhiên nên bị trả giá đã đành, nhiều người một lòng ra sức bảo vệ môi trường vẫn phải nhận cái kết đau lòng. Không chỉ con người mà tới muôn vật cũng chết. Hàng loạt động vật biến mất. Nhiều loài cây cối bị tận diệt. Còn những thứ rác rưởi như tôi đây thì lại “tràn trề” khắp nơi nơi. Từ trên cao (thỉnh thoảng nhìn lên cây sẽ thấy vài túi ni lông như tôi treo vắt vẻo), xuống mặt đất, trôi xuống cống rãnh sông hồ rồi tràn ra biển khơi. Từ bãi biển nơi có người sinh sống, đến những khu vực xa xôi giữa lòng đại dương, hay tận hai cực bán cầu đều có đồng loại của tôi. Tôi tự hỏi, con người sống chết vì đồng tiền; nhưng rồi, đồng tiền có mua được tương lai tốt đẹp hơn cho quả địa cầu này chăng?

Liệu những vùng đất tuyệt đẹp như Bắc Âu với thiên nhiên trong lành, con người sống văn minh, hạnh phúc, đủ đầy có giữ mãi được “phong độ” khi rừng Amazon bị san phẳng, khi các quốc gia thuộc “thế giới thứ ba” bắt đầu đi vào công cuộc công nghiệp hóa? Nói cho cùng, quả địa cầu có rộng lớn thế nào đối với sinh vật sống trên ấy thì cũng chỉ là một chấm siêu bé nhỏ trong vũ trụ. Vòng tròn ấy tưởng đâu to mà hóa nhỏ đến bất ngờ. Muôn người, muôn loài sinh vật cộng sinh lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Tiếc thay, dù có một số người đấu tranh bảo vệ môi trường sống, trong khi hàng vạn người thi nhau phá hoại với quy mô lớn thì khó mà mang lại kết quả như mong đợi. Tiếc thay, nhiều người thật sự muốn sống xanh hoàn toàn nhưng có dễ dàng chăng khi hệ thống hàng hóa và dịch vụ trong xã hội chỉ tăng mãi chứ không giảm bao giờ?
Thời nay, có mấy ai sống cực kỳ tối giản: không phương tiện xe cộ, không thiết bị điện tử, không sản phẩm bằng nhựa và tự cung tự cấp nguồn ăn mặc? Đến cư dân của các bộ tộc xa xôi ở châu Phi cũng phải đối diện với rác thải nhựa. Cư dân của đất nước trong lành hạnh phúc Bhutan cũng không kiềm chế được trước sức hấp dẫn của điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ đang ngày càng trở nên thông dụng trên thị trường thế giới. Giờ đây, kể cả cư dân các bộ lạc sống theo phong cách nguyên thủy ở sâu trong rừng Amazon cũng bị đe dọa bởi người hiện đại xâm lấn. Không nơi nào trên trái đất này có thể tránh khỏi sức ảnh hưởng của hệ thống hàng hóa dịch vụ ngày càng gia tăng nhằm phục vụ con người từ chân đến tóc, từ nhu cầu căn bản đến nhu cầu thể hiện đẳng cấp. Con người thông minh, sáng tạo nhưng cũng đầy lòng tham đắm.
Cả một hệ thống xã hội thế giới tham đắm thì dù muốn hay không, mỗi cá nhân đều bị cuốn vào hệ thống ấy và khó tìm thấy lối thoát. Cứ thế, tương lai sinh tồn của muôn loài trên hành tinh này còn được mấy khi!
Trích đoạn tác phẩm Vòng Tròn To – Vòng Tròn Nhỏ
Tác giả: Rita Nguyễn
Năm phát hành: 2021
