Posted on: August 25, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG

     Dù xã hội có phát triển và văn minh đến thế nào, mỗi người chúng ta đều có một định hướng riêng trên con đường tâm linh/lý tưởng – hay còn gọi là “ĐẠO”. Bạn có thể đặt niềm tin sâu nặng vào một ĐẠO nhất định nào đó như trở thành người tu tập một tôn giáo, hay nương theo một quy chuẩn đạo đức hoặc một triết lý sống mà bạn thấy phù hợp (mà không nhất thiết phải thờ phượng ai cả). ĐẠO định hướng chúng ta cách sống, lối suy nghĩ cũng như niềm tin vào giá trị của bản thân; và vì thế, ĐẠO là một phần không thể thiếu của ĐỜI!

    Thiết nghĩ, tại sao không chia sẻ suy nghĩ về chuyện ĐẠO nhỉ? Đôi khi người theo ĐẠO tạo cho bản thân cuộc sống thăng hoa hơn, nhưng nhiều khi “đi lệch hướng” hay “sai đường” thì những người ấy lại gây nên vấn đề xã hội rất đỗi “trầm kha”!

Nguồn ảnh: https://www.freepik.com/

     Mời Quý vị và các bạn cùng theo dõi dòng suy nghĩ của Thiên An – Cộng tác viên dự án “Trang Sách và Trang đời” – về một cuốn sách dành cho người theo hay quan tâm đến Phật giáo, cũng như quan điểm về cách hành ĐẠO!

                                                                                ——-//——

     Cuốn sách hôm nay mình muốn giới thiệu là cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Điều thú vị là chính chị Rita Nguyễn đã giới thiệu cuốn sách cho mình từ nhiều năm trước. Với mình, đây là tài liệu đáng tin cậy và giàu thông tin cho những ai muốn bắt đầu tìm hiểu về Đạo Phật. Cuốn sách kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (hay Bụt – từ thuần Việt được tác giả thường sử dụng) theo lời của một chú bé chăn trâu: từ khi Bụt còn nhỏ, con đường Người tìm đạo ra sao, đắc đạo khi còn trẻ rồi bắt đầu hành trình hướng dẫn chúng sanh theo con đường giải thoát, đến lúc Người nhập Niết Bàn.

    Chiêm nghiệm “Đường Xưa Mây Trắng”, người đọc tiếp nhận được những khái niệm cơ bản của Đạo Phật như Bát Chánh Đạo (8 con đường đem lại trí tuệ và giải thoát), Tứ Diệu Đế (4 sự thật mầu nhiệm), đạo lý giải thoát, đạo lý duyên sinh, phép quán niệm hơi thở, v.v. Ngoài việc diễn tả triết học Phật giáo cùng kỹ thuật tu tập một cách nhẹ nhàng qua lối kể chuyện đầy chất thơ, tác giả còn kể về cuộc sống đời thường rất đỗi bình dị cùng những khó khăn rất “con người” mà Bụt đã trải qua trong suốt cuộc đời của Người.

     Bản thân mình nhận thấy một sự thật đáng buồn là hiện tại, nhiều Phật tử không thực hiện việc hành thiền hoặc tập cách sống tỉnh thức trong từng phút giây. Số đông đến chùa rất nhiệt tâm tụng kinh và làm từ thiện công quả với mong đợi tích phước, hoặc cúng bái cầu xin Thần Phật ban phước lành. Tuy nhiên, cách tu tập này chỉ mang lại niềm an vui nhất thời, không thể nào diệt được gốc rễ tham, sân, si (tam độc) gây nên vòng luân hồi luẩn quẩn của sự khổ đau muôn kiếp người. Để có thể vượt ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử bất tận ấy, Bụt đã quán chiếu và chiêm nghiệm tự tánh không thật của mọi sự vật hiện tượng bằng việc hành thiền từng phút giây. Câu chuyện tìm đạo và hành đạo của Bụt trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người con Phật, trong đó có mình.

      Mình tin là phàm việc gì trên đời này cũng cần học đi đôi với hành. Muốn tu tập đúng hướng trên con đường giác ngộ, người con Phật nên bắt đầu từ việc trau dồi kiến thức giáo pháp từ căn bản đến chuyên sâu, phức tạp hơn. Từ đó, dựa vào năng lực bản thân mà chọn cho mình cách tu tập phù hợp. Tuy nhiên, thực tế thì, sự biết nhiều dễ khiến lòng người tự cao nên việc hành không hiệu quả. Mặt khác, thực hành máy móc mà không dựa vào sự hiểu biết rõ ràng thì phí hoài công sức mà thôi!

      Có lần mình đến thăm ngôi đình nhỏ gần nhà, trong khi đợi đò sang sông thì nghe vài cô nói chuyện với nhau là “nên thay nước bàn thờ 3 ngày 1 lần để tránh mùi hôi, mình còn không chịu được nói gì Phật” và “họ là người phàm chứ không phải người tu hành như mình”. Thiết nghĩ, Phật tử có ý thức dọn dẹp vệ sinh bàn thờ là điều đáng hoan nghênh vì đã thể hiện sự tôn kính Bụt, nhưng nghĩ rằng Bụt không chịu được mùi hôi nghĩa là vẫn chưa hiểu đúng về Phật và về giải thoát. Người là bậc đã đạt đến giác ngộ hoàn toàn, tức là không còn ý niệm về bất cứ điều gì, kể cả sự phân biệt hôi-thơm, xấu-đẹp, giàu-nghèo, v.v. 

     Thêm nữa, nếu Phật tử này vẫn không chịu được mùi hôi nghĩa là vẫn còn là người phàm, tại sao lại tự cho mình cao thượng hơn những “người phàm” khác? Quả là tự mâu thuẫn với chính mình! Trong lời nói của vị này có hàm ý phân biệt: mình có tu, đã khác người, hơn người 1 bậc. Thông qua “Đường Xưa Mây Trắng”, bản thân mình học được rằng: “Phật Pháp là để thực tập chứ không phải để cất giữ mà thờ phụng và ngợi ca. Lời dạy của Bụt là chiếc bè giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên vai mà tự hào.”

      Mình chia sẻ thêm câu chuyện ngoài lề. Vài năm trước mình có ghé thăm chùa Đức Lâm ở huyện Ba Tri, Bến Tre. Chùa nghèo, chỉ là gian nhà cấp bốn giản dị đơn sơ. Lúc trước, gian nhà xuống cấp do nằm ở nơi hẻo lánh ít người biết, người dân xung quanh còn khó khăn nên không thể hỗ trợ nhiều. Sau này, chùa được tu sửa lại nhưng còn gặp hạn chế: không có tấm biển để chỉ dẫn hướng vào chùa và đường đi nhỏ hẹp. Do đó, mình từng bị lạc đường khi tìm đến đây vì dò trên bản đồ Google không có kết quả. Không ngạc nhiên khi người phương xa không ai biết đến sự tồn tại của ngôi chùa này!

     Thế nhưng, khi bước chân vào tới chùa, mình cảm thấy rất vui và thanh tịnh vì cảm nhận được tấm chân tình, sự bao dung và không phân biệt của thầy trụ trì. Đó là còn vì ngọn gió mát lành thổi qua mảnh vườn nhỏ xinh, vì rửa mặt bằng ca nước mưa trong vắt lấy từ một trong những lu dự trữ của chùa, vì được thưởng thức những món ngon miền quê, và còn vì tình người ấm áp của những người dân tuy nghèo nhưng vui vẻ, chất phác, hiền hòa và hiếu khách đối với những vị khách đường xa như mình. Cảm giác nhận lại nhiều hơn là cho đi mà không vật chất nào so sánh được! Đạo Bụt đi vào cuộc đời là đây.

     Với mình, chuyến đi thăm chùa Đức Lâm dẫu không dễ dàng như việc thăm những ngôi chùa hoành tráng với tiếng tăm nổi như cồn nhưng thật sự đáng giá! Mình sẽ vẫn tiếp tục hành trình khám phá và thăm viếng những ngôi chùa như thế để có cơ hội cúng dường chút ít vật chất cho nơi cần và cũng để nhận lại hương vị thanh tịnh chốn tu hành bình dị. Như thế, mình có thêm động lực hành thiền trên con đường của Bụt.

     Đây là nguồn tải sách điện tử “Đường Xưa Mây Trắng” dành cho Quý vị và các bạn nào quan tâm:

https://thuvienhoasen.org/a13787/duong-xua-may-trang-thich-nhat-hanh

Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì mỗi người chúng ta hãy mua sách giấy để ủng hộ ngành xuất bản sách của nước nhà nhé!

                                                                         Nguồn ảnh: thuvienphatgiao.com

                                                                                                                   Tác giả: Dương Lê Thiên An – 24/08/2021

                                                                                                                   Biên tập: Rita Nguyễn