Posted on: July 31, 2021 Posted by: Rita Nguyen Comments: 0

COVID-19 VÀ VẤN ĐỀ MÔI SINH

       Trên dòng sông rộng, hình ảnh những con cá chết nằm ngửa phơi bụng bập bềnh theo sóng nước trước mặt khiến tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ về khoảng thời gian trước. Một loại dịch bệnh mà loài người hay gọi là Covid-19 đã quét qua thế giới với hậu quả khôn lường. Loài virus vô hình và tàn nhẫn lây truyền qua đường hô hấp này quá mới mẻ khiến cho loài người lúng túng và căng thẳng. Người ta từng nghĩ rằng trẻ em không bị ảnh hưởng nhiều bởi virus gây bệnh này, hóa ra có những trẻ em nhiễm bệnh nặng phải đặt ống thở. Người ta cũng bảo rằng cá nhân nào có hệ thống miễn dịch tốt thì sẽ an toàn thôi, hóa ra là kể cả những vận động viên thể thao trẻ tuổi tráng kiện đã phải vật vã đấu tranh sinh tử khi nhiễm virus này vào người. Một sự thật không thể tranh cãi là số người tử vong nhiều đến khủng khiếp, xác người chất chồng chất đống ở Trung Quốc, Ý, rồi Mỹ, Brazil, Ấn Độ, v.v.. Xác người được chôn hoặc đốt tập thể không người thân đưa tiễn. Con người sớm muộn gì cũng chết nhưng có những cái chết quá đỗi ngậm ngùi!

                 Đội ngũ nhân viên y tế trong khoảnh khắc tiếc thương cho bệnh nhân qua đời vì dịch COVID-19.

                                                                  Nguồn hình ảnh: The News Minute

       Tình hình khủng hoảng dịch bệnh lên cao, năm người mười ý khiến cho xã hội toàn cầu càng loạn. Chính trị gia tranh cãi, nhân viên y tế tranh luận, doanh nhân thì gay gắt chống đối các quy định hạn chế kinh doanh, hàng tỷ dân tình oán than giữa vô vàn tin tức thật giả lẫn lộn. Vấn đề sức khỏe tài chính, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất của muôn người như ngàn cân treo sợi tóc. Giữa thời loạn, không ngạc nhiên khi ai đó tận dụng cơ hội để đổ thêm dầu vào lửa vì lợi ích cá nhân. Sự hiềm khích thù hằn của loài người giữa phe này và phe kia chưa bao giờ trở nên căng thẳng hơn thế. Nếu khu vực nào may mắn xử lý được dịch bệnh tốt thì sự thấp thỏm lo âu vẫn còn đó, một chút bất cẩn của một người nhiễm bệnh có thể gây ra hoảng loạn cho cả cộng đồng. Hơn nữa, với sự giao thương trong thời đại thế giới phẳng, sự cộng hưởng giữa cư dân toàn cầu lại càng ảnh hưởng lớn đến nhau.

                               Bệnh nhân qua đời không người thân đưa tiễn. Nguồn hình ảnh: icrc.org

       Đặc biệt hơn bao giờ hết, dịch bệnh cũng là dịp “vàng thử lửa” để quan sát sự đối diện và xử lý với khủng hoảng như thế nào giữa các quốc gia. Không ngỡ ngàng khi một số khu vực ở châu Phi – được xem là “thế giới thứ 3” vì sự nghèo đói, lạc hậu – lại xử lý dịch bệnh tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển phương Tây. Người dân châu Phi sống trong điều kiện khó khăn vốn dĩ đã quen, sự chịu đựng của họ cao hơn, kinh nghiệm đối phó với nhiều loại dịch bệnh trong quá khứ mang lại bài học về sự đoàn kết và kỷ cương nghiêm túc.

       Ngược lại, không ai ngờ một cường quốc như Mỹ lại bị tổn thương nghiêm trọng đến thế! Số lượng người Mỹ tử vong vì dịch bệnh nhiều hơn cả tổng số lính Mỹ chết trận trong hai cuộc Thế Chiến. Số người nhiễm thì không thể nào đo đếm được vì biết bao người nhiễm không triệu chứng vẫn chưa bao giờ đi xét nghiệm. Hàng chục triệu người sống trong lòng “miền đất hứa” phải chật vật với miếng cơm manh áo và nuốt nước mắt nhận hàng cứu trợ, lòng dạ thì thấp thỏm lo sợ bị đuổi ra đường vì không đủ tiền trả nhà thuê hoặc nhà trả góp. Giữa lòng khủng hoảng dịch bệnh, sự bất mãn vì nạn phân biệt đối xử chủng tộc ngày càng gia tăng. Đồng nghĩa với cán cân giàu nghèo trong xã hội ngày càng chênh lệch. Kẻ giàu thì thêm giàu, người nghèo lại càng bị lún sâu vào hố đen của tuyệt vọng. Đã có trẻ em trầm cảm mà tự tử, nhân viên y tế quá tải và ám ảnh với người chết mà kết thúc đời mình, người già sống đau đớn những thời khắc cuối cùng trong bệnh viện không được gặp gỡ người thân, những người là trụ cột gia đình phải quẹt nước mắt đi để mạnh mẽ đối diện với bao khó khăn chồng chất trong dòng đời vẫn cứ thế trôi đi.

       Thương nhất là những người dân Mỹ vẫn chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của dịch bệnh Covid-19! Họ sống trong một thế giới ảo tưởng với những thuyết âm mưu ảo tưởng mà ngỡ là thật. Với niềm tin vững chắc từ thế giới phi thực tế ấy, họ tấn công một cách dữ dội những ai chống đối lại quan điểm của họ. Thậm chí, khi ai trong số họ nằm trong bệnh viện đấu tranh sinh tử với dịch bệnh đang mắc phải, họ vẫn một mực không tin rằng bản thân đang nhiễm virus đáng sợ.

              Một cuộc biểu tình tại Mỹ chống đối việc bắt buộc người dân tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.

                                                                   Nguồn hình ảnh: The Conversation

       Sự thiếu hiểu biết kết hợp với niềm tin mù quáng và ngạo mạn thái quá của người dân luôn là kẻ thù của bất cứ xã hội nào. Mỹ là một quốc gia khá đặc thù khi luôn tồn tại sự xung đột giữa hai thái cực gần như song song: thông minh – ngu muội, giàu lòng nhân ái – phân biệt đối xử, hòa bình – tham chiến, văn minh – lạc hậu. Không hoàn toàn hào nhoáng, văn minh và thông thái như thế giới vẫn tưởng! “Vết thương” của dịch bệnh vẫn còn đó, dù có lành bệnh thì “vết sẹo” vẫn sẽ rất to và sâu đậm. Một cường quốc trở nên thống khổ vì dịch bệnh hoành hành, bão lũ liên tục ở bờ Đông, cháy rừng liên tiếp ở bờ Tây, lòng người chất chứa hận thù chia rẽ. Thế mới nói, nếu không đối xử với đất Mẹ tử tế, danh tiếng cường quốc cũng không giúp ích gì cho sự an toàn của loài người!

        Những cuộc biểu tình tại Mỹ chống lại các quy định phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền và cho rằng thông tin về dịch bệnh là lời “nói dối”.

                                             Nguồn hình ảnh: The Guardian và ocregister.com

       Cho tới giờ phút này, hầu hết con người trên trái đất đều rất quen thuộc với lý do khiến dịch bệnh lạ lùng bùng phát. Loại virus này được cho là xuất phát từ chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc mà ra. Virus lạ từ động vật hoang dã truyền sang một vài người. Từ một vài người đã lây lan xuyên lục địa đến các khu vực khác nhau trên quả địa cầu trong thời gian cực kỳ ngắn. Vận mệnh của hàng tỷ con người nằm trong tay của một số cá nhân có thú vui ăn uống “khác người”. Những nhà khoa học hàng đầu đã nỗ lực rất nhiều để chế ra vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian ngắn nhất so với các dịch bệnh nghiêm trọng khác trong quá khứ. Thời gian trôi qua, Covid-19 sẽ trở thành một câu chuyện bi kịch của lịch sử loài người. Vấn đề là bi kịch có thể kết thúc chăng?!

       Ngày nào loài người còn tranh giành đất sống với các loài thú hoang dã, chúng buộc phải sinh sống gần đồn điền trang trại của con người. Từ đó, những virus gây bệnh lạ truyền từ thú hoang dã sang thú nuôi lấy thịt và truyền sang người; hoặc thậm chí truyền trực tiếp như dịch bệnh vừa qua. Loài người thấy được tương lai này, nhưng loài người liệu có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn? Tôi tin là câu trả lời vẽ ra một bức tranh phức tạp khác. Cư dân trên thế giới này quá đông đúc, không phải ai cũng hiểu về một vấn đề giống như nhau và hành động giống như nhau.

       Xây dựng lúc nào cũng khó, phá bỏ thì dễ hơn rất nhiều. Biết đủ thì mới khó, lòng tham thì mấy người vượt qua. Chọn đường gian truân để đi một cách hợp pháp mới khó, chọn đường tà đạo phi pháp mới là cám dỗ muôn vàn. Vì lẽ ấy, không lạ khi nghe tin con người trên trái đất tiếp tục đốt cây rừng làm đồn điền, doanh nghiệp lớn hạ hàng trăm ngàn mẫu đất rừng làm xí nghiệp nông trại, nơi này ăn thịt động vật rừng, nơi kia giết các loài thú hoang làm thuốc. Và như thế, nếu nghe tin về dịch bệnh nào khác bùng phát trong tương lai, ắt hẳn không phải do “số xui” mà ra. Là vì con người ngày ngày cần mẫn tự đào mồ chôn chính mình!

                                                                                  Trích đoạn chương 7, tác phẩm Vòng Tròn To, Vòng Tròn Nhỏ

                                                                                                             Tác giả: Rita Nguyễn